Quản lý, điều trị bệnh nhân lao là người nhập cư

Với thẻ xanh, bệnh nhân lao nhập cư có thể đến bất kỳ đơn vị chống lao nào ở TP.HCM để được theo dõi và điều trị miễn phí.
Ngày 23/3, hưởng ứng ngày Thế giới chống lao (24/3), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức hội thảo “Đổi mới tư duy để kiểm soát bệnh lao tốt hơn."

Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường quản lý, điều trị bệnh nhân lao là người nhập cư như phát hành thêm loại thẻ riêng cho đối tượng này (thẻ màu xanh).

Với thẻ này, bệnh nhân có thể đến bất kỳ đơn vị chống lao nào trên địa bàn thành phố để được theo dõi và điều trị miễn phí. Thành phố triển khai công tác phát hiện bệnh lao và điều trị ngoại trú đến 24 đơn vị chống lao trên địa bàn; tăng cường truyền thông phòng chống lao tại các quận, huyện tập trung nhiều dân nhập cư như quận 12, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Theo khảo sát mới nhất của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vào đầu tháng 3/2010 trên 664 bệnh nhân mắc bệnh lao các thể, lao động nhập cư chiếm hơn 20% bệnh nhân lao. Do ảnh hưởng bởi việc làm, bệnh nhân lao là người nhập cư thường di chuyển tạm trú mà không thông báo cho phòng khám lao chuyển hồ sơ đến nơi ở mới để điều trị nên việc điều trị thường bị gián đoạn, tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị giữa chừng cao (từ 5-7%).

Ước tính, hàng năm Việt Nam có khoảng 154.000 người mắc lao các thể, trong đó 70.000 người mắc lao phổi. Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới./.

Mai Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục