Quản lý, giám sát mã số vùng trồng tại ĐBSCL còn nhiều hạn chế

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết mặc dù Đồng bằng Sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng được cấp chiếm số lượng lớn nhưng tỷ lệ giám sát thấp so với quy định cần phải giám sát hằng năm.
Quản lý, giám sát mã số vùng trồng tại ĐBSCL còn nhiều hạn chế ảnh 1Thu hoạch sầu riêng ở ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tính đến hết tháng 7/2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm. Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động.

Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Nhiều khó khăn

Hiện nay, công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã có những kết quả nhất định, thể hiện ở sự quan tâm của chính quyền địa phương, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn khó khăn, tồn tại.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Lê Văn Thiệt cho biết mặc dù Đồng bằng Sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng được cấp chiếm số lượng lớn nhưng tỷ lệ giám sát thấp so với quy định cần phải giám sát hằng năm. Điển hình như Đồng Tháp có 2.477 mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát chỉ đạt 23%; Long An có 288 mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát chỉ đạt 0,3%.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ Thực vật đã nhận được các thông báo từ Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật với hàng xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt) hoặc các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không phải do Cơ quan Kiểm dịch Thực vật của Việt Nam cấp. Tỉnh Tiền Giang là địa phương có số lượt vi phạm nhiều nhất cả nước với 267 trường hợp (chiếm 35,6%).

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, khi triển khai công tác cấp mã số vùng trồng, sở này đã chỉ đạo, quán triệt, yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, các xã tăng cường giám sát. Tuy nhiên, diện tích cây ăn trái của tỉnh lớn, quy mô hộ nhỏ lẻ, đặc biệt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều nên địa phương không đủ nguồn nhân lực để giám sát sâu sát việc cấp mã số vùng trồng. Hạn chế này dẫn đến nhiều lô hàng xuất khẩu của địa phương vi phạm không tuân thủ kiểm dịch thực vật.

Hậu Giang là địa phương được đánh giá có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng cao nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (trên 80%). Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 120 mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… Các loại cây trồng được cấp mã số bao gồm mít, xoài, nhãn, chôm chôm, bưởi, chanh, sầu riêng, khóm (dứa), dưa hấu, thạch đen, lúa với diện tích trên 2.000ha.

Công tác kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng được thực hiện định kỳ nhằm đảm bảo vùng trồng luôn thực hiện đúng theo các quy định, giúp duy trì tình trạng tuân thủ quy định của nước nhập khẩu.

[Bộ Nông nghiệp: Sẽ quản lý mã số vùng trồng bài bản, chuyên nghiệp]

Thế nhưng, theo ông Đặng Ngọc Giao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang, người dân không mặn mà với việc cấp mã số vùng trồng nên cán bộ nông nghiệp phải thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn giúp xã viên hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng.

Sở cũng thường xuyên chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật kiểm tra mã số vùng trồng nhưng việc cấp mã số, giám sát mã số vùng trồng cũng gặp khó khăn, nhất là nguồn nhân lực. So với các tỉnh trong vùng, biên chế cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật của Hậu Giang rất ít - chỉ có 9 người. Trong khi đó, Hậu Giang có 45.000 ha diện tích trồng cây ăn trái. Do đó, công việc rất nặng nề, quá tải với cán bộ.

Liên quan đến giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết hàng hóa vi phạm nhiều nhất là mít, sinh vật gây hại phổ biến nhất là rệp sáp Planococcus minor. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các chi cục chỉ mới đánh giá được thực trạng của vùng trồng. Trong khi đó, các cơ sở đóng gói không nêu được rõ nguyên nhân không tuân thủ, một số sau khi đánh giá thì đề nghị thu hồi; một số khẳng định chưa sử dụng mã số; thậm chí có cơ sở đóng gói không có hồ sơ truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Lê Văn Thiệt, mặc dù việc giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu tại các tỉnh đã được quan tâm hơn nhưng chưa có nhiều thay đổi rõ nét. Hầu hết các tỉnh mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được phê duyệt.

"Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực tế nhiều lô hàng vi phạm phải nhận cảnh báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu hoặc buộc phải quay đầu xe ngay tại các cửa khẩu của Việt Nam do phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật," ông Thiệt cho biết.

Quản lý tốt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Tại Hội nghị "Sơ kết Sản xuất Trồng trọt vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2023; Triển khai Kế hoạch Sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long" diễn ra vào ngày 14/9 tại thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung cho biết mặc dù Bộ này đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương liên quan đến việc quản lý, cấp mã số vùng trồng tiến triển rất chậm. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng với 439 trường hợp vi phạm.

Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin hiện 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc. Gần 89% sản lượng trái cây của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc. Chỉ riêng thanh long, mỗi năm nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,9-2 triệu tấn; Trung Quốc cũng là thị trường chủ lực của sầu riêng Việt Nam.

"Nếu chúng ta không làm tốt khâu quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng thời gian tới," Thứ trưởng Trung cảnh báo.

Quản lý, giám sát mã số vùng trồng tại ĐBSCL còn nhiều hạn chế ảnh 2Công nhân tuyển lựa trái thanh long xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Cho rằng nếu không có biện pháp khắc phục thì không chỉ một loại trái cây mà hàng loạt trái cây sẽ mất đi thị trường tiềm năng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật, bám sát các nội dung của nghị định thư, đáp ứng các quy định của nhà nhập khẩu.

Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; cập nhật thông tin, quy định của nước nhập khẩu công khai trên website http://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để người dân dễ tiếp cận và tra cứu thông tin nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Các cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng, kịp thời phát hiện, xử lý và thông báo đối với các vi phạm.

Đối với vùng trồng, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị vùng trồng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và tuân thủ yêu cầu nước nhập khẩu, hướng đến thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc.

Vùng trồng và cơ sở đóng gói phải xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng và sự tuân thủ, thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng trước khi chuyển tới nhà đóng gói hoặc trước khi xuất xưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục