Quản lý tần số đối vô tuyến băng rộng là cấp thiết

Quản lý tài nguyên tần số đang là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng trong xu thế phát triển của công nghệ vô tuyến mới.
"Vô tuyến băng rộng và quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng" là chủ đề của Hội thảo do Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 8/6, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 19 năm thành lập Cục Tần số vô tuyến điện (8/6/1993 - 8/6/2012).

Hội thảo cho thấy xu hướng phát triển công nghệ, tiềm năng và định hướng phát triển của vô tuyến băng rộng trong những năm tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Đức Lai nhấn mạnh trong những năm qua, thị trường thông tin vô tuyến điện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Xu hướng phát triển của các dịch vụ thông tin vô tuyến điện ngày càng hướng đến các dịch vụ vô tuyến băng rộng.

Việc phát triển thông tin vô tuyến nói chung và vô tuyến băng rộng nói riêng luôn gắn liền với quy hoạch băng tần, nghiên cứu công nghệ, định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận phổ tần số vô tuyến điện và công nghệ mới, hướng đến việc cung cấp cho thị trường các dịch vụ vô tuyến tiềm năng lớn.

Do đó, quản lý tài nguyên tần số đang là vấn đề cấp thiết nhằm tạo ra môi trường đáp ứng các nhu cầu đa dạng trong xu thế phát triển của các công nghệ vô tuyến mới và sự cạnh tranh trong thị trường viễn thông.

Mặt khác, xu thế quản lý tần số đã chuyển dịch từ quản lý chủ yếu bằng các quy định kỹ thuật sang quản lý tần số bằng chính sách trên cơ sở kinh tế trong việc phân bổ tài nguyên tần số.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bộ cũng đang xây dựng Thông tư quy định về thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhằm tạo ra môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia thị trường cung ứng dịch vụ.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, sự đóng góp của dịch vụ dữ liệu băng rộng đối với sự tăng trưởng kinh tế là rất lớn. Nếu phát triển thêm 10% dân số truy cập băng rộng sẽ tương đương với mức tăng trưởng GDP bình quân là 1,21% ở các nước phát triển và 1,38% ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, doanh thu từ các dịch vụ băng rộng cũng chiếm tỷ lệ khá cao, đòi hỏi các nhà quản lý cần tăng cường hơn nữa để đưa ra những giải pháp thích hợp với thực tiễn.

Vì vậy, hiện tại, Cục Tần số vô tuyến điện đang khẩn trương nghiên cứu vấn đề số hóa truyền hình và quy hoạch lại băng tần nhằm đảm bảo phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại và băng rộng./.

Việt Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục