Quần thể Tháp Chăm tại Làng văn hóa các dân tộc

Sau 4 năm xây dựng, quần thể Tháp Chăm vừa được khánh thành tại Làng Văn hóa–Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).
Sáng 23/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa–Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa–Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hồ Anh Tuấn đã tuyên bố khánh thành quần thể Tháp Chăm và bày tỏ niềm vinh dự tự hào trong “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có biểu tượng văn hóa mà đồng bào Chăm quan niệm là linh hồn của họ, đó là ngôi tháp cổ Po Klong Girai.

Sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và hơn bốn năm xây dựng, tạo tác, quần thể tháp Chăm đã hoàn thành, sừng sững in hình trong khung cảnh của “ngôi nhà chung."

Công trình này đã được cán bộ Ban Quản lý Làng Văn hóa–Du lịch các dân tộc Việt Nam, thợ thủ công và những người lao động đặt công sức trí tuệ tâm huyết vào từng viên gạch, hòn đá, mài chập, gắn kết, tạo tác từng bước, từng ngày để hình thành vóc dáng đặc biệt của tháp Chăm tại Làng Văn hóa–Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Lễ khánh thành quần thể Tháp Chăm là nhằm quảng bá, giới thiệu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm, tạo cơ hội giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lần đầu tiên, tại Hà Nội, các đại biểu và quan khách quốc tế, các nhân sĩ trí thức, nghệ nhân, cùng đông đảo nhân dân đã được chứng kiến các nghi thức truyền thống như Lễ mở cửa tháp, lễ Ka tê, phản ánh sức sống và các giá trị trường tồn của quần thể Tháp Chăm.

Bên cạnh đó du khách còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ nhân dân gian Chăm đến từ các tỉnh thành phố, vùng đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước trong không khí linh thiêng cùng âm thanh rộn ràng tiếng trống paranưng, điệu kèn Saranai, điệu múa, âm nhạc truyền thống dân tộc Chăm.

Đại diện cho đồng bào Chăm, ông Sử Văn Ngọc, tỉnh Ninh Thuận đã bày tỏ niềm tin tưởng khu quần thể Tháp Chăm, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là điểm đến của đồng bào, bè bạn và du khách trong nước và quốc tế. Điều này đã nói lên sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và to lớn đối với các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước trong đó có quần thể Tháp Chăm đã nói lên chân lý bất diệt của Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Cùng ngày, tại Làng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, chào mừng 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và triển lãm đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam và dân tộc Chăm truyền thống hội nhập và phát triển./.

Tuyết Mai-Đoàn Nga (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục