Bình Thuận: Mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Chăm

22 học viên sẽ được các nghệ nhân ưu tú người Chăm truyền dạy giai điệu, kỹ thuật sử dụng nhạc cụ Chăm như trống Ginăng, kèn Sarana, phục vụ hệ thống lễ hội của người Chăm đang có nguy cơ bị mai một.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình truyền dạy kỹ thuật đánh trống Ginăng cho các học viên. (Nguồn: Ủy ban Dân tộc)
Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình truyền dạy kỹ thuật đánh trống Ginăng cho các học viên. (Nguồn: Ủy ban Dân tộc)

Từ ngày 17- 31/5, tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Chăm.

Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tham gia lớp học, 22 học viên sẽ được các nghệ nhân ưu tú và người am hiểu về nhạc cụ truyền thống của người Chăm truyền dạy giai điệu, kỹ thuật sử dụng nhạc cụ Chăm như trống Ginăng, kèn Saranai… phục vụ hệ thống lễ hội của người Chăm đang có nguy cơ bị mai một ở các làng Chăm.

Nghệ nhân Dụng Bông cho biết sẽ truyền dạy tất cả kiến thức cơ bản, thực hành, biểu diễn trên trống Ginăng, kèn Saranai. Khi kết thúc lớp học, học viên có thêm am hiểu về kỹ thuật từ đó chơi các nhạc cụ một cách nhuần nhuyễn.

Nhạc cụ truyền thống Chăm có vai trò rất quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm. Những năm gần đây, nhạc cụ truyền thống của người Chăm đã góp phần thu hút khách du lịch đến với các lễ hội, khu di tích của người Chăm.

Tuy nhiên, loại hình nhạc cụ này lại là một bộ môn rất khó truyền tải, đòi hỏi người tham gia học phải có năng khiếu âm nhạc và niềm đam mê vô tận.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Lạc Đỗ Tấn Thông, sau lớp truyền dạy này sẽ có lực lượng nghệ nhân trẻ kế thừa chơi các nhạc cụ truyền thống, không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa của dân tộc mà còn cùng địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm, thúc đẩy du lịch địa phương.

Ông Đoàn Ngọc Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết mục tiêu của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, tránh nguy cơ mai một, phục vụ đời sống, sinh hoạt của cộng đồng, góp phần phát triển du lịch.

Dự án nhằm tiếp tục phát triển toàn diện văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đầu tư thiết bị văn hóa để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Với hơn 42.000 người, đồng bào Chăm ở Bình Thuận sinh sống tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh.

Đồng bào Chăm có nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng và tồn tại có hệ thống. Bên cạnh các di tích, văn hóa vật thể, làng nghề thủ công, người Chăm còn có nhiều lễ hội truyền thống, âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng, không thể lẫn với dân tộc khác.

Thời gian qua, thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch,” Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức nhiều lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, truyền dạy nghệ thuật hát ngâm Ariya… cho đồng bào Chăm.

Theo kế hoạch, năm 2024, Bảo tàng tỉnh mở 6 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Chăm ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục