Lấy bối cảnh vùng thảo nguyên hoang dã ở Tây Bắc xa xôi của Trung Quốc, loạt phim ngắn "To the Wonder" (tựa tiếng Việt là A Lạp Thái Của Tôi) khiến khán giả bất ngờ khi nhanh chóng chiếm lấy vị trí số một trong số những bộ phim truyền hình đang chiếu ở nước này.
Bộ phim truyền hình dài 8 tập "A Lạp Thái Của Tôi" đã trở thành bộ phim truyền hình đột phá của Trung Quốc trong năm, gây sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Được quay ở tỉnh Altay - một vùng xa xôi ở Tây Bắc của Trung Quốc - bộ phim dường như đã thu hút giới trẻ nước này, những người đang khao khát thoát khỏi cuộc sống bận rộn, cạnh tranh khốc liệt ở các thành phố lớn.
Trên mạng xã hội, người xem đã say sưa chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của Altay và cho rằng đây là điểm đến "chữa lành" mới dành cho những người đang mệt mỏi với áp lực của học hành hay công việc. Hashtags liên quan đến bộ phim đã nhận được hơn 500 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo.
Trên trang đánh giá Douban, nơi người dùng nổi tiếng kén chọn, "A Lạp Thái Của tôi" có rating trung bình là 8,7, số điểm cao nhất mà chưa có bất kỳ bộ phim truyền hình Trung Quốc nào ra mắt trong năm nay đạt được.
Bộ phim đã giành được nhiều lời khen ngợi nhờ miêu tả đầy sắc thái về cuộc sống ở Altay, nơi có đông đảo người dân tộc Kazakh với truyền thống sống du mục.
Đây cũng là một ví dụ hiếm hoi về một bộ phim truyền hình Trung Quốc do nữ đạo diễn sản xuất - Teng Congcong, 39 tuổi. Và nhiều khán giả nói rằng họ đặc biệt ấn tượng với cách xử lý tâm lý các nhân vật nữ của bộ phim.
Bộ phim kể về hành trình của Li Wenxiu - một cô gái trẻ buộc phải về quê sau khi không thể thực hiện giấc mơ trở thành một nhà văn chuyên nghiệp ở Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Li chuyển về sống với mẹ cô, bà chủ một cửa hàng tiện lợi ở một thị trấn nhỏ ở Altay và cố gắng tìm hướng đi mới cho bản thân.
Khi đã thích nghi với cuộc sống ở Altay, cô cảm nhận được tình yêu và lòng tốt của những người nơi đây. Mọi thứ trở nên mới mẻ khi cô cảm nhận dưới một góc nhìn mới.
Ban đầu, Li gặp khó khăn trong việc kết nối với hàng xóm. Cô không hiểu cách suy nghĩ của họ. Nhưng nhờ mẹ cô - người đã phải làm lại cuộc đời sau cái chết của chồng - Li bắt đầu đánh giá cao sự kiên cường của người dân nơi đây.
Cư dân mạng đã mô tả việc xem bộ phim như một trải nghiệm gần như việc được “hít ôxy” hoặc “tắm nắng.”
Một khán giả hâm mộ bộ phim, Yang, nói rằng cô ấy bị ấn tượng bởi mạch kể chuyện tự nhiên và tính cách các nhân vật.
Yang nói rằng: “Trong thời đại mà các video ngắn và cốt truyện khoa trương đã trở thành xu hướng chủ đạo, bộ phim này mở ra một thế giới có nhịp độ chậm giống như trong quá khứ theo cách hiếm thấy trên màn ảnh.”
Yang nói thêm rằng cô thấy thật sảng khoái khi xem một bộ phim lấy nhân vật nữ làm trung tâm.
Yang nói: “Cảm giác an toàn đến từ việc phụ nữ được coi là chủ thể chứ không phải là đối tượng trong ánh nhìn của ai đó.”
Trong khi đó, bộ phim dường như cũng đã tạo ra sự gia tăng đột biến du khách đến Altay, vùng gần biên giới Nga. Theo nền tảng cho thuê chỗ ở Tujia, số lượt tìm kiếm nhà nghỉ ở Altay đã tăng gấp ba lần trong tuần sau khi tập đầu tiên của "A Lạp Thái Của Tôi" được phát sóng.
"A Lạp Thái Của Tôi" là bộ phim mới nhất trong số những phim truyền hình Trung Quốc có xu hướng thỏa mãn sở thích đi du lịch của người xem.
Trước đó, bộ phim lãng mạn "Đi đến nơi có gió" kể về hành trình tìm lại chính mình của người phụ nữ trẻ bỏ công việc ở thành phố để chuyển đến sống tại Đại Lý ở tỉnh Vân Nam phía Tây Nam Trung Quốc, đã giúp du lịch vùng đất này phát triển rực rỡ./.
Sự thật cảnh cưỡi ngựa trong phim cổ trang Trung Quốc
Trong rất nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc, cảnh các vị anh hùng hay nữ hiệp cưỡi ngựa đều là cảnh được dàn dựng trong trường quay, với đạo cụ là ngựa giả.