“Trên thực tế, nhiều cán bộ tại các địa phương có thẩm quyền vẫn bỏ qua định hướng của trung ương, điều này cho thấy quản lý Nhà nước bị phân lập manh mún, với thẩm quyền phân tán và cơ cấu tầng bậc yếu.”
Ông Jonathan Pincus, Quỹ Rajawali, Indonexia đưa ra những vấn đề thách thức về quản trị Nhà nước tại Việt Nam, trong Hội nghị quốc tế “Quản trị kinh tế hướng tới Nhà nước kiến tạo” do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 13/6.
Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế cao cấp trong nước và quốc tế thống nhất quan điểm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công sau ba mươi năm đổi mới nhưng so với yêu cầu phát triển vẫn còn một khoảng cách khá xa. Do đó, để đạt được triển vọng hướng tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ trong hai thập niên tới, Nhà nước cần cải cách thể chế và quản trị, điều này sẽ quyết định đến tương lai của đất nước.
Các đại biểu chỉ ra thực trạng hiện tại, sự phối hợp giữa các bộ, ngành rất yếu, nhiều địa phương vì lợi ích cục bộ mà bỏ quan định hướng trung ương. Bên đó, ranh giới giữa khu vực công và tư nhân chưa rõ ràng, khi mà lợi ích thương mại được phát sinh từ các cơ quan, tổ chức của Nhà nước thay vì các lực lượng xã hội độc lập.
Quan ngại hơn, chủ nghĩa thân hữu trong Nhà nước (như quyết định tuyển dụng, quyết định nhân sự) và giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo ông Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, với bộ máy Nhà nước cồng kềnh, quy định không rõ ràng về quyền lực, chức năng và nhiệm vụ chồng chéo, thì đòi hỏi cần thiết là giải quyết tốt vai trò chức năng truyền thống trước khi thực hiện vai trò kiến tạo.
Các ý kiến đề xuất thống nhất cho rằng, quản trị Nhà nước cần phải hướng tới sự minh bạch từ thị trường đất đai, tín dụng và trong mua sắm đấu thầu của khu vực công.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và thực thi hiệu lực của Chính phủ không được phép tham gia vào các hoạt động thương mại đồng thời giảm thiểu sự chồng chéo về vai trò và trách nhiệm giữa các cơ quan trung ương, địa phương.
Ngoài ra, các quan chức chính trị cần phải tách bạch vai trò quyết định tại các doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể hóa chính sách, thực hiện loại bỏ những trở ngại nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào thị trường hàng hóa và dịch vụ./.