Quảng Nam: Dân sống chung với ô nhiễm tại các KCN

Nhiều năm nay, dân cư sinh sống gần các KCN ở tỉnh Quảng Nam luôn phải sống chung với khói bụi, nước xả thải và các chất thải rắn độc hại.

Sống chung với khói bụi, nước thải xả trực tiếp ra môi trường và các chất thải rắn độc hại... là một thực tế diễn ra từ nhiều năm nay tại một số khu dân cư sinh sống gần các cơ sở sản xuất ở tỉnh Quảng Nam.

Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam) vào thời điểm này đã có hàng chục doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngay tại cổng chính dẫn vào khu công nghiệp là khẩu hiệu Doanh nghiệp phát triển, môi trường thân thiện, song thực tế cho thấy doanh nghiệp đã và đang phát triển nhưng vấn đề môi trường vẫn chưa thật sự thân thiện.

Bằng chứng là người dân sống gần khu công nghiệp này rất bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải và khói bụi thoát ra từ hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Việc chung sống với ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay của người dân thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành), khu vực nằm sát Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam) là một điển hình.

Nhóm phóng viên có mặt tại thôn Thọ Khương khi bà con nơi đây đang tập trung ra đồng vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị làm đất cho vụ sản xuất Đông Xuân 2013-2014. Khi được hỏi về vấn đề môi trường, nhiều người đã đưa nhóm phóng viên đến miệng cống xả nước từ các nhà máy thải trực tiếp ra cánh đồng Thọ Khương.

Hiện trường là miệng cống xả nước thải hình hộp, bằng bêtông cốt thép có đường kính khoảng 1,2 mét. Tại đây, nước thải đục ngầu, nhiều bọt, kèm theo mùi hôi thối từ hoạt động sản xuất của các nhà máy thải trực tiếp ra môi trường, mặc dù trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đã có nhà máy xử lý nước thải.

Tìm hiểu thêm, nhóm phóng viên được biết cống hộp bằng bêtông cốt thép mà người dân cho là cống xả nước thải nói trên thực tế chỉ là cống tiêu nước mưa trong khu công nghiệp, nhưng đã bị biến thành đường cống xả nước thải chưa qua xử lý.

Theo quy định, nước thải của các nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp này buộc phải qua hệ thống đấu nối và đưa vào nhà máy xử lý nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường.

Quy định là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh. Nước thải từ các nhà máy sản xuất sau khi được thu gom và đưa vào nhà máy xử lý nước thải để xử lý đạt tiêu chuẩn rồi theo ống xả bằng nhựa có đường kính 30cm đặt trong lòng cống hộp bằng bêtông thải ra môi trường bên ngoài.

Vào thời điểm phóng viên có mặt tại hiện trường, ống nhựa không có nước thải, trong khi đó trong lòng cống bêtông có một lượng lớn nước thải đục ngầu, bốc mùi hôi thối, có cả dầu nhớt vẫn không ngừng thải ra môi trường. Rõ ràng đây là lượng nước thải chưa qua xử lý được doanh nghiệp nào đó trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai xả trực tiếp ra môi trường.

Theo đại diện người dân thôn Thọ Khương, nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy sản xuất trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai thường xả thải vào đêm tối và vào lúc trời có mưa lớn. Nước thải theo đường cống tiêu chảy lênh láng ra đồng ruộng vào tận khu dân cư. Nhiều người dân trong thôn đã dùng điện thoại di động để ghi lại những hình ảnh này.

Ông Trà Minh Lâm cho biết do cánh đồng Thọ Khương nằm ngay sát khu công nghiệp, hàng ngày mọi người đi làm đồng lội xuống mương về là bị ngứa chân, trâu bò uống nguồn nước kênh mương thường bị mắc bệnh, còn cá thì chết trắng bụng.

Hiện nay, 340 hộ dân với 1.100 nhân khẩu của thôn Thọ Khương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước và khói bụi của các nhà máy.

Đa phần người dân lo lắng không biết nguồn nước thải có độc hại hay không, nếu không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Nhiều người lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe đã bỏ ruộng không dám sản xuất, nhiều gia đình bỏ những giếng nước sử dụng từ bao đời để tìm nguồn nước khác phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Trước tình trạng này, người dân trong thôn đã nhiều lần dự định góp tiền và ngày công lao động để bít đường ống nhựa và lấp cả đường cống hộp không cho nước thải chưa qua xử lý chảy vào ruộng mà chảy ngược hoặc ứ đọng trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, tuy nhiên chính quyền địa phương khuyên răn, ngăn chặn kịp thời nên hành động tiêu cực này chưa xảy ra.

Ngoài khói bụi độc hại, nước thải chưa qua xử lý, người dân nhiều nơi trong vùng còn phải chung sống với nhiều loại chất thải rắn chứa chất độc hại chưa qua xử lý.

Điều đáng nói là ở nhiều nơi, người dân vẫn vô tư sống chung với chất thải nguy hại mà không hề hay biết.

Mới đây, Cảnh sát Môi trường tỉnh Quảng Nam đã xử phạt Công ty giày Richker (hoạt động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) về hành vi bán trái phép chất thải chứa chất độc hại cho ông Trần Văn Quý ở thôn La Thọ 2, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn. Hàng tấn bao bì, thùng kim loại đựng các loại hóa chất được ông Quý tập kết ngay trong khu dân cư.

Việc mua bán này diễn ra trong thời gian dài với khối lượng lớn nhưng bản thân gia đình ông Quý và người dân xung quanh vẫn vô tư sống chung với chất nguy hại cho đến khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, kho chứa bao bì, thùng kim loại chứa hóa chất của ông Quý mới bị trục xuất khỏi khu dân cư.

Chất thải các loại cần được xử lý trước khi đưa ra môi trường là điều kiện bắt buộc trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp đã trốn tránh trách nhiệm này với môi trường sống của cộng đồng vì sợ tốn kém.

Bởi vậy, bên cạnh việc quan tâm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư, thì việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường sống có lẽ là vấn đề chưa bao giờ cũ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục