Quảng Nam: Ðể nhà Gươl mãi là “linh hồn làng” của người Cơtu

Nhà Gươl là "linh hồn" của người Cơtu ở Quảng Nam, không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh mà còn là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng.
Quảng Nam: Ðể nhà Gươl mãi là “linh hồn làng” của người Cơtu ảnh 1Bà con Cơtu vui trong ngày khánh thành Gươl mới của làng. (Nguồn: Cổn thông tin điện tử huyện Nam Giang)

Vùng núi Quảng Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Ve, Triêng (Giẻ Triêng), Xơđăng, Cor, Cadong, Cơtu…, tạo nên một nền văn hóa dân gian hết sức đa dạng, phong phú.

Nói đến tộc người Cơtu ở Quảng Nam, không thể không nhắc đến Gươl - ngôi nhà làng truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơtu. Người Cơtu gọi Gươl là ngôi nhà chung “Gươl.”

Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hóa đã được đồng bào dân tộc Cơtu ở vùng núi tỉnh Quảng Nam sáng tạo từ lâu đời. Gươl mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt của cộng đồng Cơtu và được xem là “linh hồn” của làng, tương tự như đình làng của người Kinh.

[Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát thủ công của người Cơ Tu]

Theo quan niệm của người Cơtu, Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Gươl được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Người Cơtu coi làng nào không có nhà Gươl tức là không còn gốc truyền thống văn hóa. Do vậy, khi lập làng, dựng nhà, họ đều chọn đất để dựng nhà Gươl đầu tiên.

Quảng Nam: Ðể nhà Gươl mãi là “linh hồn làng” của người Cơtu ảnh 2Gươl thôn Vinh, xã Tàpơ, huyện Nam Giang. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Nam Giang)

Trong không gian kiến trúc của nhà Gươl của người Cơtu chứa đựng nhiều giá trị độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục con cháu trong làng sống đoàn kết, quý trọng, bảo vệ rừng núi.

Căn nhà dài 35m, được dựng ít nhất 32 cái cột theo kiểu nhà sàn. Điểm độc đáo là bên trong ngôi nhà không có thêm bất cứ chiếc cột nào nên diện tích mặt sàn sử dụng lên đến 210m2.

Bên trong nhà Gươl có các biểu tượng Mặt Trời, Mặt Trăng trên cột cái, trên nóc nhà, trên các đồ dùng hàng ngày cùng họ lên nương lên rẫy. Các gam màu đen trắng chủ đạo được tô vẽ trong nhà. Các số đếm trong các bộ phận cột, đòn tay, bậc thang đều mang số lẻ như 1,3,5,7,9. Các biểu tượng này phản ánh quan niệm về âm-dương, dấu ấn tín ngưỡng tô tem về nước, lửa trong vũ trụ quan của người Đông Sơn cổ đại.

Trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều bương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội...

Nhà Gươl của người Cơtu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.

Nhà Gươl là linh hồn của làng Cơtu, không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơtu, Lễ mừng được mùa.... 

Quảng Nam: Ðể nhà Gươl mãi là “linh hồn làng” của người Cơtu ảnh 3Bà con Cơtu miền núi tỉnh Quảng Nam khôi phục lại Gươl của làng. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Nam Giang)

Theo tập tục truyền thống, khi đến nhà Gươl, mọi người không được ẩu đả, cãi vã mà phải luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơtu. 

Vì vậy, không gian làng, trong đó linh hồn là Nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đông người Cơtu.

Nhà Gươl còn được ví như bảo tàng sống, là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền dạy các nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, nói lý, hát lý, các trò chơi dân gian truyền thống cho con em.

Khi du lịch cộng đồng phát triển, nhà Gươl trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Cơtu như dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác và trình diễn nhạc cụ, trình diễn nghệ thuật đánh trống, đánh chiêng, múa "Tâng tung Da dá" và làm nơi lưu trú cho du khách.

Nhiều năm qua tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khôi phục ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có Gươl của người Cơtu.

Trong quá trình duy trì và khôi phục Gươl truyền thống ở vùng đồng bào Cơtu, các địa phương cũng quan tâm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, chủ động phòng chống thiên tai gây thiệt hại đến giá trị của Gươl.

Các ngành chức năng kết hợp với già làng, trưởng thôn, những cán bộ lão thành cách mạng là người Cơtu có uy tín, những nghệ nhân Cơtu có kinh nghiệm hướng dẫn trong việc thiết kế, trang trí cho Gươl nhằm phát triển tối đa giá trị của Gươl truyền thống.

Việc vận động đồng bào Cơtu xây dựng đời sống văn hóa mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, lành mạnh tại Gươl, đã góp phần bảo vệ, gìn giữ hình tượng Gươl, để Gươl mãi là niềm tự hào và là "linh hồn làng” của người Cơtu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục