Quảng Nam phát triển du lịch cụm địa đạo xã Anông

Dựa trên những giá trị lịch sử của hệ thống địa đạo độc đáo này, huyện Tây Giang chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương.
Nằm cách Trung tâm Uỷ ban nhân dân huyện Tây Giang (Quảng Nam) khoảng 7km, một hệ thống địa đạo nằm rải rác ở xã Anông được nhân dân địa phương phát hiện từ năm 2008 và được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh ngay năm sau đó.

Hệ thống địa đạo ở xã Anông là điểm trú quân và nơi cất giữ lương thực, vũ khí, thuốc men, phương tiện điện đàm,… bảo đảm an toàn tính mạng cho hàng nghìn người trong các cuộc chuyển quân trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dựa trên những giá trị lịch sử to lớn của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và hệ thống địa đạo độc đáo này, huyện Tây Giang đang chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch ở địa phương.

Huyện Hiên cũ, tức huyện Đông Giang và Tây Giang bây giờ, là một trong những căn cứ địa cách mạng vững chắc từ hồi kháng chiến chống Pháp và trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đồng bào Cơ tu ở nơi đây một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ cách mạng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1967, khi bộ đội và du kích ta tiêu diệt được đồn A Tép (Thừa Thiên Huế), bộ đội công binh và lực lượng thanh niên xung phong mở nhánh đường Trường Sơn Đông từ biên giới Việt-Lào, nối từ đường Trường Sơn Tây.

Tuyến đường này giúp vận chuyển vũ khí, trang thiết bị và đưa bộ đội mở các chiến dịch đánh về đồng bằng các tỉnh miền Trung gần hơn.

Đây cũng là thời điểm giặc Mỹ bắn phá, rải bom cùng chất độc hoá học dữ dội xuống vùng đất này.

Trước tình hình đó, lực lượng du kích đã cùng nhân dân địa phương đào các hầm để nhân dân và bộ đội trú ẩn. Sau đó, các hầm được mở rộng hơn để thuận lợi cho hoạt động cách mạng.

Xã Anông có 4 thôn thì cả 4 thôn đều có các khu địa đạo được xây dựng, gồm địa đạo Tâm Abóc thuộc thôn Arớt; địa đạo đồi Abuôl thôn Acấp; địa đạo Bh’nơm, địa đạo đồi L’bơơi thuộc thôn Axòo và địa đạo Ch’run thôn Anoonh.

Như địa đạo Bh’nơm ở đồi Ch’lai được đào theo hình chữ Z, chiều dài hơn 70km ngoằn ngoèo sâu trong lòng núi. Bên trong được chia làm 7 ô với các chức năng khác nhau. Có 4 ô được bố trí bên phải, 3 ô ở bên trái, chiều dài của mỗi ô là 5m, chiều rộng là 2m.

Hay địa đạo Ch’run thôn Anoonh có thể chứa được 50 người. Miệng hầm rộng khoảng 3m, chiều cao 1,6m, chiều dài khoảng 50m đảm bảo cho việc ra vào dễ dàng.

Từ trên nhìn xuống, từ ngoài đi vào kẻ địch không tài nào phát hiện ra khu trú mật này bởi nó nằm sâu trong một cánh rừng rậm, dưới chân là một con suối chảy quanh đồi.

Khoảng cách giữa một số địa đạo không xa nhau và toàn bộ được xây dựng, bố trí sâu trong rừng rậm nên việc liên lạc trao đổi rất thuận lợi, địch khó có thể phát hiện.

Từng nhiều năm hoạt động kháng chiến tại địa phương, ông Alăng Đàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang cho biết, hệ thống các địa đạo là nơi trú chân, hội họp của cán bộ ta từ Bắc vào, từ Nam ra; tiếp đón các đoàn cán bộ, học sinh từ Nam ra Bắc học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ...

Đặc biệt, tại đây có một trạm y tế của quân đội, điều trị thương binh từ các chiến trường dưới đồng bằng hay dọc đường Trường Sơn đưa tới; và kho chứa các trang thiết bị, vũ khí, lương thực được vận chuyển từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, chuẩn bị các chiến dịch lớn cho công cuộc giải phóng miền Nam.

Theo ông Bríu Liếc, Bí thư huyện uỷ Tây Giang, cụm địa đạo ở xã Anông có ý nghĩa rất to lớn về mặt giá trị lịch sử cách mạng.

Đó không chỉ hỗ trợ cho các cuộc hành quân trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thường xuyên “thông tuyến” trong suốt những năm kháng chiến ác liệt nhất của dân tộc mà còn là minh chứng hùng hồn cho sự đoàn kết toàn dân, toàn quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đây còn là địa chỉ đỏ quan trọng giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là người Cơ tu trên địa bàn ôn lại chiến tích hào hùng của dân tộc trong quá khứ.

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng ở các thôn văn hoá truyền thống người Cơ tu, huyện Tây Giang chủ trương xây dựng phát triển du lịch dựa trên những giá trị lịch sử to lớn của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và hệ thống địa đạo xã Anông.

Trong thời gian tới, khu nhà trưng bày các vật dụng, chứng tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh và địa đạo Anông sẽ được quy hoạch xây dựng tại gần khu di tích để du khách thấy rõ được những thành quả mà quân và dân địa phương đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Hiện tại, vành đai các địa đạo vẫn còn nguyên trạng, có thể đi lại dễ dàng, đặc biệt là địa đạo ở thôn Axòo và Acấp.

Lực lượng đoàn thanh niên địa phương thường xuyên tổ chức các đợt phát quang bụi rậm và kiểm tra tránh tình trạng xâm hại hệ thống các địa đạo.

Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang phối hợp với Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hệ thống địa đạo Anông là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia./.

Hứa Chung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục