Ngày 30/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã băng rừng, lội suối, cố gắng tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn 3 (xã Phước Lộc) và khu vực có hơn 200 công nhân của Thủy điện Đăk Mi 2 (xã Phước Công) đang bị chia cắt.
Nhóm phóng viên TTXVN đã theo chân Đoàn công tác để nỗ lực phản ánh những thông tin tìm kiếm cứu nạn từ hiện trường.
Gian nan cứu nạn đồng bào
Sáng sớm 29/10, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ sạt lở đất kinh hoàng, vùi lấp hàng chục người tại thôn 3 (thôn 6 cũ), lãnh đạo xã Phước Lộc lập tức báo cáo về các cấp trên.
Ngay trong sáng 29/10, tỉnh Quảng Nam thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo là đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam.
Ông từng có nhiều năm là Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, nên rất thông thạo địa hình và lực lượng tại chỗ.
Xã Phước Lộc là một xã vùng cao, giáp ranh với tỉnh Kon Tum, do mưa lớn nhiều ngày qua nên tất cả những cung đường tới xã đều đã bị sạt lở, vùi lấp nghiêm trọng khiến toàn xã bị chia cắt.
Ngay trong chiều 29/10, ông Nguyễn Mạnh Hà đã dẫn đoàn đi tiền trạm 2 cung đường tới xã Phước Lộc, nhưng quá khó khăn, nguy hiểm. Ban Chỉ huy tiền phương quyết định quay về trước khi trời tối và tiếp tục vào sáng 30/10.
Sáng sớm 30/10, đoàn xe tìm kiếm cứu nạn xuất phát từ thị trấn Khâm Đức, đi khoảng 25 cây số đường núi tới xã Phước Công, nơi gần nhất có thể đi băng rừng sang xã Phước Lộc.
Khi tới xã Phước Công, một điểm sạt lở lớn khiến ôtô không thể qua, Đoàn công tác phải nhờ cán bộ địa phương dùng xe máy đưa đi tiếp.
Tuy chưa bị chia cắt nhưng xã Phước Công cũng bị nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, có nơi nước và bùn nhão đã trôi tới sát nhà dân.
Ông Hồ Văn Mác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Công (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), cho biết hiện nay 90% cầu cống trên địa bàn xã đã bị hư hỏng, đường sá bị sạt lở nhiều nơi, chỉ còn duy nhất một con đường độc đạo để ra vào xã, nhưng con đường này cũng có nguy cơ rất cao sẽ bị sạt lở trong những ngày tới.
Từ đây tới Ủy ban Nhân dân xã Phước Lộc thì các trục đường chính đã bị sạt lở rất nghiêm trọng, không thể đi qua.
Nếu đi bộ băng rừng thì phải vượt khoảng 12 cây số mới tới xã Phước Lộc, thêm 15 cây số nữa mới tới thôn 3.
Còn đối với khu vực hơn 200 công nhân đang bị mắc kẹt tại Thủy điện Đăk Mi 2 thì có thể đi bộ vượt núi, băng rừng khoảng 5 cây số để tới bờ sông và chuyển thực phẩm bằng ròng rọc qua bên kia sông.
Nhận thấy khả năng tiếp cận xã Phước Lộc gần như bất khả thi, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà dẫn đoàn tiếp cận khu vực Thủy điện Đăk Mi 2 để hỗ trợ những công nhân đang bị kẹt tại đây.
Rời Ủy ban Nhân dân huyện Phước Công, nhóm phóng viên TTXVN tiếp tục cùng Đoàn công tác gần 100 người của Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, lực lượng Quân khu 5, Tỉnh đội, Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, chính quyền địa phương bắt đầu băng rừng tìm kiếm cứu nạn Thủy điện Đăk Mi 2.
Vượt qua nương rẫy của người dân, Đoàn công tác bắt đầu tiến vào khu vực rừng rậm. Tuy thời tiết nắng đẹp, nhưng nước mưa từ những hôm trước vẫn chảy xuống từ trên núi, gây khó khăn khi di chuyển.
Một số đoạn núi bị sạt lở dở dang, đất tạo thành những con dốc thẳng đứng, Đoàn công tác phải trườn bò, bám vào những rễ cây cheo leo để vượt qua.
Theo quan sát, khu vực này vẫn còn rất nguy hiểm, trên núi xuất hiện nhiều khe nứt sâu có nguy cơ tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào.
Ngay bên dưới những dốc núi, là những đoạn đường ngổn ngang sạt lở, đá nhọn, bùn trơn, mép vực sâu thẳm. Đoàn công tác di chuyển hết sức cẩn trọng, chỉ cần sơ xảy trượt chân, sẽ bị rơi xuống vực sâu và khó bảo toàn tính mạng.
Công nhân thoát nạn, toàn xã bị cô lập
Sau khi xuống núi, Đoàn công tác tiếp tục men theo con đường chính dẫn vào Thủy điện Đăk Mi 2, hiện đã bị sạt lở nặng nề.
Từ trên núi, những khối bùn cùng đá tảng tràn xuống lấp nhiều đoạn đường, một số đoạn còn nguy hiểm hơn, khi mặt đường đã sạt gần hết xuống vực.
Lội qua sình lầy, đất đá, Đoàn công tác gặp một khu lán trại của Công ty Lilama đang thi công đường.
Khu lán trại đã bị sạt lở một phần, bùn đất ngập sâu khoảng 30cm. Có 40 công nhân đang tích cực dọn dẹp, thu gom đồ đạc để di tản tới nơi an toàn hơn. Các công nhân cho biết từ đây vào tới khu vực Thủy điện Đăk Mi 2 còn khoảng 1km.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Nguyễn Văn Nam, một công nhân tại đây kể lại, có sự vận động của chính quyền địa phương, tất cả các công nhân đã sơ tán lên nơi cao ráo vào chiều trước ngày bão số 9 đổ bộ.
Đến trưa hôm sau, do mưa lớn nên bùn đất trên núi đổ dồn về sát lán trại, làm một lán bị bật móng đổ xuống sông, rất may mắn là tất cả anh em đã sơ tán.
Hôm nay trời nắng nên anh em quay lại để dọn dẹp đồ đạc, di dời lán trại đi nơi khác. Trước đây cũng có sạt lở nhưng chưa bao giờ bị nặng trên toàn tuyến như thế này.
Tiếp tục vượt qua những vũng bùn sâu nửa mét, chúng tôi bất ngờ gặp một tốp khoảng 10 công nhân khác đang hồ hởi đi ra. Họ chính là những công nhân bị mắc kẹt trong khu vực thi công Thủy điện Đăk Mi 2, mới vượt được sông và đang thoát ra ngoài.
Anh Hồ Quân, công nhân Công ty Sông Đà 10.3 đang thi công trên Thủy điện Đăk Mi 2, cho biết sáng nay nước đã rút khoảng một nửa nên một số nhóm đã thoát ra được. Nhóm của anh vừa thoát ra được sáng nay, bằng cách vừa lội, vừa bám dây để vượt sông.
[Vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn: Mất liên lạc hoàn toàn với xã Phước Lộc]
Trước đây công trình có một cây cầu qua sông, nhưng nước đã đánh bay một nhịp cầu, mấy ngày trước nước sông chảy xiết nên không thể qua được. Từ hôm qua đến nay, lực lượng chức năng đã vận chuyển lương thực, thực phẩm bằng ròng rọc qua sông để cứu trợ nên các công nhân cũng không bị thiếu đồ ăn.
Theo anh Hồ Quân, đến trưa 30/10 đã có nhiều công nhân qua được sông, khi nhóm của anh đi thì chỉ còn hơn 100 người còn mắc kẹt bên trong thủy điện.
Tiếp tục đến khu vực sát chân Thủy điện Đăk Mi 2, nước sông vẫn chảy rất xiết, các công nhân hai bên bờ sông đang tiếp tục vận chuyển từng người bằng dây cáp và ròng rọc qua sông.
Do nước sông rút, thời tiết thuận lợi nên các đơn vị đã sử dụng cáp treo để tiếp cận, đưa được hàng trăm công nhân ra ngoài trong sáng 30/10.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng đoàn tìm kiếm cứu nạn, nhận định theo tình hình hiện tại, có thể dùng cách này để giải cứu cho toàn bộ số công nhân còn lại trong ngày. Nhưng công ty thủy điện cũng báo cáo rằng, bên trong vẫn an toàn nên họ sẽ để lại một số công nhân để bảo vệ công trình, lương thực hiện vẫn đủ nên cũng chưa cần thiết tiếp tế thêm.
Tuy đã tiếp cận và giải cứu được hàng trăm công nhân Thủy điện Đăk Mi 2, nhưng đường từ đây vào tới nơi sạt lở nghiêm trọng tại thôn 3, xã Phước Lộc còn rất gian nan. Hàng chục cây số đường bị hư hỏng, nguy hiểm, nếu sửa chữa xong phải mất hằng tháng.
Nếu đi bộ cắt rừng, lội sông cũng rất nguy hiểm trong thời tiết mưa gió và các đồi núi vẫn có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Đến tối 30/10, ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn cho biết, hiện xã đã bị chia cắt hoàn toàn, không có cách nào liên lạc được với xã Phước Lộc.
“Theo báo cáo cuối ngày 29/10 của lãnh đạo xã thì đã tìm được 5 thi thể, 8 người mất tích. Còn hôm nay không rõ tình hình sạt lở, tìm kiếm cứu nạn, đời sống của người dân như thế nào,” ông Quảng đau xót.
Sau một ngày cắt rừng, lội suối, leo núi hàng chục cây số, đoàn cứu hộ quay lại Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn trong tâm trạng vừa mừng, vừa lo.
Mừng vì nhiều công nhân đã thoát được cảnh bị cô lập giữa dòng nước siết. Lo vì xã Phước Lộc với hơn 900 đồng bào vẫn bị cô lập trong muôn vàn khó khăn, nhất là khi bão số 10 đang hình thành trên Biển Đông và có thể đổ bộ vào đất liền trong vài ngày tới.
Tối nay, lại có cơn mưa rào nặng hạt giữa màn đêm núi rừng, những dòng nước lại đổ xuống từ trên đỉnh núi, thêm một đêm lo lắng với đồng bào khu vực miền núi khó khăn này. Thương lắm Phước Sơn!./.