Chiều 20/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố của tinh để bàn biện pháp cứu trợ và khắc phục hậu quả do lũ gây ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 14-16/11.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, mưa lũ tại Quảng Ngãi đã làm 15 người chết, 1 người mất tích, 65 người bị thương. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi, sập đổ 209 căn nhà, 783 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trên 201 ngàn hộ dân bị ngập nước và thiệt hại. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nặng nề hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế và sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong đợt mưa lũ vừa qua lên đến 1.730 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cử các đoàn công tác về các địa phương thăm hỏi, chỉ đạo công tác khắc phục. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên và các hội đoàn thể cùng cán bộ, nhân dân địa phương thực hiện công tác cứu trợ, dọn vệ sinh môi trường, chốn lấp xác súc vật, dọn bùn đất các điểm trường học, trạm y tế, giúp nhân dân khắc phục nhà cửa.
Ngay trong ngày 16/11, tỉnh và các huyện đã cứu trợ khẩn cấp 45 tấn gạo, 4.500 thùng mì tôm, 4.200 thùng nước khoáng. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã kịp thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 2.000 tấn gạo, 100 cơ số thuốc y tế, 5.000kg Chloramin B, 100.000 viên Aqutabs, 2.000 lít Benkocid để tổ chức khám chữa bệnh, tiêu độc khử trùng môi trường, phòng chống dịch cho người và vật nuôi; hỗ trợ 800 tấn giống để kịp thời xuống giống vụ Đông xuân 2013-2014; hỗ trợ 350 tỷ đồng để giải quyết những thiệt hại ban đầu về dân sinh và cơ sở hạ tầng thiết yếu để ổn định đời sống, sản xuất cho người dân vùng lũ.
Tại cuộc họp, sau thảo luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Khoa yêu cầu các địa phương, các Sở ngành làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến số liệu thống kê về tình hình thiệt hại. Trong đó, đối với nhà sập, thiệt hại nặng phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ đúng đối tượng cho người dân.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện phải chịu trách nhiệm về số liệu. Sau 5 ngày, các huyện phải thống kê chính xác con số thiệt hại. Trong quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, đúng mức thiệt hại, dân chủ, công khai, minh bạch.
Đối với công tác khắc phục, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Khoa yêu cầu các địa phương huy động lực lượng dựng nhà tạm cho những hộ dân mất nhà cửa, không để người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất,” hỗ trợ lương thực kịp thời không để một hộ dân nào thiếu đói. Huy động lực lượng hỗ trợ vệ sinh trường học, trạm y tế để bảo đảm cho việc học, khám chữa bệnh trở lại bình thường. Tập trung khử trùng giếng nước, xử lý môi trường không để dịch bệnh xảy ra sau lũ. Tiếp tục tổ chức thông tuyến hệ thống giao thông bị chia cắt giúp người dân và phương tiện đi lại an toàn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các huyện, thành phố trong việc phân bổ các đơn vị cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân, chủ yếu khắc phục về nhà ở, gạo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt cho các hộ dân. Trong quá trình thực hiện phải cân đối hài hoà giữa các địa phương. Đối với nhà ở chọn hai phương án, phương án thứ nhất hỗ trợ theo quy định hiện hành của Quyết định 191 của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Phương án thứ 2 đối với nhà sụp đổ hoàn toàn ở đồng bằng hỗ trợ 25 triệu/nhà, miền núi 30 triệu/nhà; nhà hư hỏng nặng, hư hỏng nhẹ sẽ hỗ trợ theo phương án trên với các mức 50% và 30%.
Đối với gạo cũng được hỗ trợ theo 3 mức, thiệt hại nặng được hỗ trợ 3 tháng, trung bình 2 tháng, nhẹ 1 tháng (15kg/khẩu/tháng). Trong khi chờ số liệu thống kê, các địa phương cần linh hoạt trong vấn đề hỗ trợ, kiên quyết không để người dân nào bị đói, bị thiếu nhà ở. Đối với người chết và bị thương các huyện phải tổ chức thăm viếng, hỗ trợ theo quy định hiện hành./.