Sử dụng công nghệ cao để nuôi trồng thành công tảo xoắn, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không những thu về hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn mở ra hướng đi mới trong phát nông nghiệp chất lượng và thu nhập cao.
Tảo xoắn (tên khoa học là tảo Spirulina) được phát hiện vào năm 1960, từ đó đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về giá trị của tảo đối với đời sống của con người.
Ngoài thành phần chủ yếu là đạm thực vật giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa tảo xoắn còn chứa nhiều vitamin E và các khoáng chất.
Ngoài ra, tảo xoắn không chứa đường, chất béo nên được xem là thực phẩm tối ưu giúp chống oxy hóa, tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và phòng chống ung thư cùng nhiều bệnh khác. Chính vì vậy, trong những năm gần đây tảo xoắn được nhiều người lựa chọn sử dụng.
Tại Quảng Ngãi, sau hơn 4 năm triển khai mô hình với sự hỗ trợ của Trường Đại học Đà Nẵng, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường đã thành công trong việc nuôi trồng, nhân giống, sản xuất tảo xoắn tươi, sấy khô và đang hướng đến tự tạo ra các sản phẩm khác từ tảo như bánh quy tảo xoắn, thạch tảo.
Để tạo môi trường thuận lợi cho tảo xoắn phát triển tốt nhất, từ đó giúp cho quá trình thu sinh khối tảo xoắn đạt năng suất cao và chất lượng tốt, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường đã lựa chọn mô hình nhà kính khép kín hiện đại. Mái che bằng màng công nghệ Isael, xung quanh quây bằng lưới, có che nắng tự động, thông gió, quạt hút gió, hệ thống sục khí, ứng dụng công nghệ 4.0 trong khâu kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm.
“Hiểu được tầm quan trọng của nhiệt độ, độ ẩm và nguồn nước đối với sự phát triển của tảo nên hợp tác xã đã chọn Vạn Tường - nơi có mạch nước ngầm mát, sạch từ nguồn đá ong để nuôi trồng. Ngoài ra, hợp tác xã còn chọn nuôi tảo trong nhà kính để tảo không bị lây nhiễm bệnh từ bên ngoài, đồng thời đạt được năng suất, sản lượng cao hơn,” anh Nguyễn Biên Nhất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường cho biết.
Tảo xoắn từ khi bắt đầu thả nuôi đến lúc thu hoạch khoảng 25 ngày, sau đó 20 ngày tiếp tục thu hoạch lần 2 và thu lần cuối sau đó 15 ngày.
Với tổng dung tích hồ nuôi tảo hiện tại là 36.000m3 nước thì mỗi kỳ thả nuôi hợp tác xã sẽ thu về khoảng 360kg tảo khô. Sau khi sấy khô, tảo được vận chuyển đến một công ty tại Đà Nẵng để chế biến ra các thành phẩm như cốm tảo, viên nén…
Với giá bán tảo xoắn khô hiện nay khoảng 3,5 triệu đồng/kg, trừ chi phí đơn vị thu lãi hàng trăm triệu đồng. Qua đó, hợp tác xã đã góp phần tạo việc làm cho 35 thanh niên địa phương; trong đó, có 15 lao động thường xuyên và 20 lao động mùa vụ.
“Đến nay, hợp tác xã mới làm chủ được quy trình tạo giống, nuôi trồng và sấy khô tảo xoắn. Còn việc chế biến thành các sản phẩm như viên nén, cốm, bánh quy hoặc sản phẩm thông dụng, tiêu dùng hàng ngày như sữa chua, càphê, nước giải khát,…đòi hỏi phải đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ, nên hợp tác xã chưa thể thực hiện,” anh Nguyễn Biên Nhất cho biết.
Sản xuất tảo xoắn đòi hỏi quy trình đặc biệt nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường, nhất là quá trình sản xuất giống tảo trong môi trường vô trùng, các thiết bị chai lọ nuôi cấy phải được hấp sấy tiệt trùng nghiêm ngặt. Thu hoạch tảo bằng hệ thống máy tự động, khép kín. Sau thu hoạch tảo phải được sấy khô ngay để giữ được các chất dinh dưỡng.
Anh Đồng Tinh Một, kỹ thuật viên Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường cho hay, trong quá trình nuôi trồng tảo xoắn phải rất cẩn thận, tỉ mỉ vì nếu tảo bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, nhiễm tảo lạ không những tảo không phát triển mà mình phải bỏ cả bể để làm lại. Ngoài ra, tảo đã sấy khô cũng phải bảo quản trong tủ mát, còn nếu đưa ra môi trường tự nhiên khoảng 1 giờ tảo sẽ hỏng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường Nguyễn Biên Nhất, thời gian tới, hợp tác xã sẽ nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất theo phương pháp nuôi cấy hở. Với phương pháp này tuy phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nhưng dây chuyền công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp ở mô hình bán công nghiệp và vốn đầu tư ít. Do đó, nếu thành công thì có thể nhân rộng mô hình cho người dân cùng thực hiện.
Nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn đang là một hướng đi mới nhằm phát triển đa dạng và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Thông qua mô hình, người lao động được tiếp cận với công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất. Từ đó thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Sơn nhấn mạnh, tảo xoắn do Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đây là sản phẩm xanh, sạch, giàu dinh dưỡng và đang được nhiều người tin dùng.
Mô hình nuôi chồn hương cho lợi nhuận đến 200 triệu đồng mỗi năm
Việc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường nuôi trồng thành công tảo xoắn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngành nông nghiệp của huyện có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, đặc trưng và có giá trị kinh tế cao. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tảo xoắn với các địa phương trong cả nước; đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn sẽ hỗ trợ hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ cho những tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu sản xuất, nuôi trồng. Ngoài ra, địa phương cũng cố gắng kết nối với các công ty, doanh nghiệp chuyên về chế biến, tiêu thụ tảo xoắn để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm,” ông Thắng cho biết./.