Quảng Ninh bảo đảm an ninh mạng gắn với chủ quyền số quốc gia

Tỉnh Quảng Ninh xác định chuyển đổi số tập trung vào xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên-văn hóa-con người, bảo đảm an ninh mạng gắn với chủ quyền số quốc gia.

Quảng Ninh bảo đảm an ninh mạng gắn với chủ quyền số quốc gia ảnh 1Trang chủ Cổng Dịch vụ Công của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh chụp màn hình)

Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn công nghiệp 4.0, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực chuyển đổi số toàn diện. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh...

Quảng Ninh xác định việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của phát triển, nên ngay từ năm 2012, tỉnh đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số và đã đạt được những thành công bước đầu.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Tỉnh xác định chuyển đổi số tập trung vào xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, dựa trên ba trụ cột thiên nhiên-văn hóa-con người để hình thành công dân số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền số quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đối số các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, thể chế, chính sách, nguồn lực của địa phương còn hạn chế, khó khăn. Do đó, để đạt được kết quả cần có thời gian. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chưa kịp hoàn thiện, khi triển khai còn nhiều vướng mắc; nhận thức về chuyển đổi số của người dân chưa cao.

[Thủ tướng: Phải tự chủ về công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng]

Để chuyển đổi số đi vào cuộc sống, năm 2023, tỉnh tập trung triển khai chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trọng tâm như giáo dục, y tế, du lịch, giao thông vận tải, thương mại, công nghiệp, hải quan và doanh nghiệp số; tích hợp khoa học công nghệ, xây dựng nền tảng để các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành, vận tải, người dân tham gia quảng bá hình ảnh, giới thiệu các dịch vụ du lịch của Quảng Ninh.

Tỉnh huy động toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia vào giáo dục thông minh; chú trọng thu thập các học liệu, tri thức đưa vào chương trình giảng dạy; hoàn thành kết nối trục dữ liệu các cấp, hỗ trợ trong chẩn đoán, điều trị liên tuyến qua mạng, từ đó nâng cao chất lượng của y tế cấp cơ sở, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

Địa phương phấn đấu hoàn thành lắp đặt camera thông minh tại một số tuyến giao thông trọng điểm; đẩy mạnh hoạt động của các sàn thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm OCOP của tỉnh, ứng dụng số hóa các thủ tục hải quan, từ đó giảm thời gian thông quan tại các cửa khẩu.

Tỉnh đẩy mạnh việc số hóa các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa nghệ thuật lên không gian mạng, tạo cơ hội lan tỏa, tiếp cận nhiều đối tượng, giới thiệu về truyền thống văn hóa của Quảng Ninh…

Năm 2022, Quảng Ninh vươn lên đứng thứ ba trong bảng xếp hạng chuyển đổi số ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng bốn bậc so với năm 2021.

Bảy tháng của năm 2023, số hồ sơ trực tuyến tính riêng trên Cổng Dịch vụ Công cấp tỉnh là 27.577/27.151 hồ sơ (đạt 98,3%), số hồ sơ trực tuyến trên cả Cổng Dịch vụ Công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành 61.450/89.902 hồ sơ (đạt 68,4%).

Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 100% các khu vực dân cư trên địa bàn; tổng số trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) khu vực vùng ven biển và biển đảo là 4.544 trạm.

Cùng với những kết quả trên, hiện nay tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, tỉnh đang tiến hành đào tạo về an toàn thông tin cho người dùng cuối theo chương trình Cục An toàn thông tin tại 13 địa phương, 27 sở, ngành; 177 chủ tịch xã, phường, thị trấn tại 13 địa phương tham gia đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến của Bộ TT&TT.

Toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm. Các hoạt động này góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra.

Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số của Quảng Ninh được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của đề án Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có; đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân. Thông qua đó từng bước đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục