Quảng Ninh đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường

Quảng Ninh chịu sức ép về ô nhiễm môi trường do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp mới.
Quảng Ninh - địa phương có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang chịu sức ép về ô nhiễm môi trường sinh thái do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp mới.

Suy giảm rừng, nguồn sinh vật bị hủy diệt, bồi lắng biến đổi luồng lạch, phá vỡ cảnh quan... là nguy cơ được báo trước.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, tỷ lệ rừng che phủ trên toàn tỉnh bị suy giảm, đặc biệt rừng núi đá vôi ở những nơi bị phá hủy không thể khôi phục được.

Hiện tượng xói mòn, sạt lở xảy ra khá phổ biến, đe dọa đến tính mạng, phá hủy tài sản, hoa màu của nhân dân và các công trình công cộng.

Hơn 30 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý từ hoạt động khai thác than hàng năm thải trực tiếp ra môi trường đã làm bẩn nguồn sinh thủy. Trong khi đó, đất nông nghiệp bị suy kiệt, giảm năng suất cây trồng, phát sinh nhiều loại dịch bệnh.

Việc san lấp lấn biển hình thành nên các khu đô thị, dự án công nghiệp-dịch vụ ồ ạt cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm khu vực ven bờ, làm bồi lắng hệ thống luồng lạch.

Riêng thị xã Cẩm Phả, vịnh Bái Tử Long nằm trong quần thể du lịch Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng bởi hàng chục dự án san lấp mở rộng không gian đô thị bừa bãi, thiếu quy hoạch.

Hầu hết các dự án đổ đất lấn biển xây dựng khu đô thị mới và khu công nghiệp ở thị xã này đều chưa quan tâm đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từ làm đường đến các công trình phụ trợ, hệ thống thoát nước.

Lượng chất thải nguy hại khoảng 3.300 tấn phát sinh hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cùng với gần 220.000 tấn rác thải công nghiệp chưa được xử lý theo đúng quy trình; hàng trăm tấn lưu huỳnh thải ra liên tục... đang đe dọa đến môi trường.

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Ngành than của tỉnh cũng đẩy nhanh việc quy hoạch hệ thống cảng, khu vực chế biến than, cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, sớm đưa vào sử dụng các trạm xử lý nước thải mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục