Quảng Ninh tăng cường hợp tác với các địa phương của Trung Quốc

Năm 2020, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới tỉnh Quảng Ninh đạt 2.787 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 1.114 triệu USD, nhập khẩu đạt 980 triệu USD.
Quảng Ninh tăng cường hợp tác với các địa phương của Trung Quốc ảnh 1Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trên bộ hơn 118km và trên biển 191km với Trung Quốc. 

Năm 2020, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới tỉnh Quảng Ninh đạt 2.787 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 1.114 triệu USD, nhập khẩu đạt 980 triệu USD, loại hình tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đạt 695 triệu USD.

Trong số này, thành phố Móng Cái giá trị xuất khẩu đạt 1.093 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.039 triệu USD và tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan là 694 triệu USD; huyện Hải Hà có giá trị xuất khẩu 3,5 triệu USD, nhập khẩu đạt 4,5 triệu USD; huyện Bình Liêu có giá trị xuất khẩu 16,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 65,9 triệu USD.

Tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Trung Quốc.

[Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái]

Quảng Ninh đã ký 26 thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương của Trung Quốc. Thông qua các quan hệ hợp tác này, tỉnh Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam-ASEAN-Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới; đấu nối giao thông đường bộ, mở và nâng cấp cửa khẩu; hợp tác quản lý biên giới, duy trì an ninh, an toàn trật tự, phòng chống tội phạm trên khu vực biên giới góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới hai bên.

Từ năm 2016-2021, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Khu ủy Quảng Tây đã ký kết 1 bản thỏa thuận về tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở đảng địa phương kết; 5 biên bản “Hội đàm đầu Xuân”  và 4 biên bản ghi nhớ Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa các Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn (Việt Nam) với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ, quản lý lao động qua biên giới...

Nội dung hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Ngày 16/7/2020, hai tỉnh-khu đã chính thức thông quan cầu Bắc Luân II thuộc cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc). Hai tỉnh-khu cùng phối hợp hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu Hoành Mô-Động Trung để sớm công bố chính thức cửa khẩu song phương; tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các thủ tục nội bộ để triển khai xây dựng cầu thay thế tạm thời đường tràn qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh-Lý Hỏa. 

Về đầu tư, đến nay, Quảng Ninh có 3/65 dự án FDI có vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Quảng Tây, Trung Quốc thực hiện ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20,2 triệu USD; hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, du lịch  dịch vụ và xây dựng. Các dự án đã hoàn thành đầu tư và đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các hoạt động lữ hành du lịch quốc tế của Quảng Ninh bị tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một số cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng với Trung Quốc đã được khôi phục và hoạt động trở lại.

Cụ thể, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái-Cầu Bắc Luân II mở lại từ ngày 7/2/2020; lối mở Km3+4 (thông quan hàng hóa từ ngày 25/2/2020); cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) mở ngày 2/3/2020; cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) được thông quan hàng hóa từ ngày 18/6/2020 và đến ngày 6/7/2020 bắt đầu có hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước tổ chức triển khai có hiệu quả các thỏa thuận giao lưu hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực đã ký với phía Quảng Tây.

Các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương biên giới của tỉnh duy trì mối quan hệ với các cơ quan, địa phương tương ứng phía Quảng Tây trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh kết nối giao thông, nâng cấp cửa khẩu song phương, tiến hành thuận lợi thông quan hàng hóa, từng bước khôi phục hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch...  trên biên giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục