Quảng Ninh thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển nông sản chủ lực

Nhiều nông sản của Quảng Ninh đã có mặt ở các trung tâm thương mại lớn, các sàn giao dịch thương mại điện tử và cả xuất khẩu; chuyển từ sản xuất thủ công sang áp dụng công nghệ hiện đại.

Trà hoa vàng, sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Trà hoa vàng, sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, từ đó đưa nhiều loại nông sản địa phương thành sản phẩm hàng hóa chất lượng.

Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy xây dựng nông sản địa phương thành sản phẩm hàng hóa chất lượng. Hằng năm, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh đã hướng dẫn các địa phương rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nâng cấp bao bì tem nhãn, xây dựng thương hiệu, bảo hộ về nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện chu trình OCOP, nâng cao kỹ năng cán bộ và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

Nhằm mở rộng thị trường, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh tích cực hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử.

Qua quá trình phát triển, nhiều loại nông sản đã chuyển từ sản phẩm truyền thống có mặt ở chợ làng, chợ cóc lên sản phẩm hàng hóa có mặt ở các trung tâm thương mại lớn, các sàn giao dịch thương mại điện tử và cả xuất khẩu; chuyển từ sản xuất thủ công sang áp dụng công nghệ hiện đại. Tất cả đã tạo nên những sản phẩm nông nghiệp có số lượng, chất lượng, có tính cạnh tranh cao để hội nhập thị trường.

Với những hoạt động tích cực, đồng bộ, hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao (có 246 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao). Các sản phẩm đã khẳng được chỗ đứng trên thị trường, được người dân tin tưởng lựa chọn, từng bước hướng tới xuất khẩu. Từ thành công của tỉnh, chương trình OCOP hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước.

Tại hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023, ngày 12/10, ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh nêu rõ địa phương xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái xanh-sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm.

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, trong đó sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên nông dân phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia; hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

Trong đợt vinh danh năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đề cử 53 sản phẩm nông nghiệp; trên cơ sở kết quả thẩm định và bình chọn của Hội đồng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã quyết định tôn vinh 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023, trong đó có 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 4 sản phẩm nhóm thảo dược và dược liệu, 9 sản phẩm nhóm đồ uống, 1 sản phẩm nhóm phục vụ nông nghiệp.

Các sản phẩm đều chiếm thị phần lớn trong tỉnh, trong nước, chất lượng cao, mẫu mã, hình thức bao bì đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, độc đáo, thân thiện môi trường, định hướng phát triển bền vững, nhiều sản phẩm đã ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chủ động, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử, cơ bản các sản phẩm đều tham gia chu trình OCOP của tỉnh, đặc biệt có những sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục