Quốc đảo Singapore-Gạch nối giữa hiện tại và tương lai

Singapore làm du khách thập phương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi những sáng tạo không ngừng nghỉ đưa nghệ thuật “song hành” với cuộc sống...

Nói đến Singapore-quốc đảo nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á, người ta hình dung ra một đất nước năng động giàu sự tương phản, đầy màu sắc, nhưng vẫn có sự kết hợp hài hòa của văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật và kiến trúc. Và không phải ngẫu nhiên, Singapore đã “vượt mặt” rất nhiều nơi trên thế giới để trở thành điểm “ăn chơi” hạng nhất và thành phố sống động hàng đầu.

Điểm đến của những cái “nhất”

Đến thăm đảo quốc nhỏ bé Singapore, bạn sẽ được khám phá một nền văn hóa thú vị pha lẫn kỳ lạ kết hợp từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ và phương Tây; một đất nước cực kỳ sạch sẽ và giàu có, những chuyến tàu điện luôn đúng giờ, không có ùn tắc giao thông; nơi mà tất cả mọi người dân đều rất thân thiện và có ý thức bảo vệ môi trường rất cao.

Dường như, Singapore sinh ra là để sở hữu nhiều cái “nhất”: Thành phố sống động nhất, sạch nhất, giao thông ngăn nắp nhất, trung tâm mua sắm sầm suất nhất… nhưng trên hết, chính phủ và người dân của đảo quốc này đang mong muốn biến Singapore thành một trung tâm nghệ thuật đa dạng nhất của khu vực và trên thế giới.

Quả thật, gần đây, nhắc đến Singapore, người ta thường nhắc ngay đến những ý tưởng “có một không hai” với những không gian kiến trúc xanh, đầy tính nghệ thuật hiển hiện ở khắp những công trình công cộng và dân sinh. Ta có thể bắt gặp một khu vườn lộng lẫy nhưng chất chứa một không gian đầy tính nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng-Gardens by the Bay (Những khu vườn bên vịnh) hay Botanic Garden-nơi có thảm thực vật nổi tiếng đang được đề cử di sản thế giới… Hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là những con đường, những cây cầu và khu phố mang hơi thở của các loại hình nghệ thuật đương đại hay lưu giữ quá khứ oanh liệt của một thời vàng son rực rỡ trước kia…

Song song đó, các lễ hội về nghệ thuật, ánh sáng và những cuộc triển lãm quy mô hoành tráng liên tiếp được tổ chức những năm gần đây thu hút đông đảo giới mộ điệu và du khách khắp năm châu cũng đã mang đến cho "quốc đảo Sư Tử" một niềm hãnh diện và tự hào.

Có thể nói, Singapore làm du khách thập phương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi những sáng tạo không ngừng nghỉ mà xuất phát ngay từ những bến tàu điện ngầm (MRT) - nơi tưởng chừng như ai cũng vội vã, hối hả với dòng chảy của thời gian...

Nghệ thuật công cộng ở Singapore dường như đã trở thành mối quan tâm của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp và người dân trong vài thập niên qua. Khi các đoàn thể lẫn các nghệ sĩ đều mở lòng hơn với nghệ thuật trên diện rộng-nghệ thuật đại chúng, thì một trong các chuỗi tác phẩm lớn nhất ở những năm gần đây đã ra đời từ chương trình “MRT’s Art in Transit” - đưa nghệ thuật “song hành” với cuộc sống thường nhật và gần gũi với người dân.

“Thổi hồn” cho giao thông đô thị

Chị Anita-một hướng dẫn viên du lịch 43 tuổi người Singapore cho biết: Lúc mới đầu, chị cũng như nhiều người dân không màng đến các tác phẩm nghệ thuật được trình bày tại các ga tàu điện ngầm. Song dần dà, những bức tranh, những hình ảnh ngộ nghĩnh đã “kéo” chị đến chiêm ngưỡng, lắng lại với những giây phúc thư thái trong nhịp sống đầy hối hả…

“Tôi cũng rất lấy làm ngạc nhiên về những bức tranh này… Đôi khi chỉ là những hình vẽ mộc mạc, đơn giản của những em học sinh hay là bức tranh miêu tả về đời sống xã hội Singapore trải qua thăng trầm nhưng đã khiến tôi phải ngẫm nghĩ, phải sống chậm lại,” chị Anita vừa nhìn ngắm những bức tranh vừa nói.

Rất nhiều những du khách khi đến Singapore cũng không khỏi trầm trồ, thích thú khi ngắm nhìn những bức vẽ khổ lớn được ghép bằng những ô vuông gạch men kính hay chất liệu gỗ mộc mạc nhưng đầy màu sắc, mang hơi thở của nghệ thuật đương đại mà lại vừa gần gũi…

Chương trình được bắt đầu với sự hoàn thành tuyến North East Line năm 2003 và dự định đưa tác phẩm nghệ thuật công cộng được chọn lọc đến mỗi trạm thuộc hệ thống tuyến MRT này. Chương trình này được lặp lại khi hoàn thành tuyến Circle Line; trong đó, những người có thẩm quyền đã kêu gọi tìm kiếm những thiết kế phù hợp với đặc điểm của từng trạm MRT. Và đến nay, các tác phẩm nghệ thuật đã thực sự hiện diện ở 28 trạm tàu điện ngầm mới hoạt động của Singapore, với sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính phủ.

Có thể kế tới 4 trong số các tác phẩm tuyệt vời nhất, đó là bức tranh gỗ “Let the show begin” của nghệ sĩ Lim Mu Hue- người tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc gỗ tại Singapore, ở Trạm tàu điện ngầm Esplanade (CC3). Tác phẩm nghệ thuật trắng đen này của Lim Mu Hue diễn tả lại quang cảnh khi những người định cư buổi đầu ở Singapore đang thưởng thức buổi biểu diễn nghệ thuật rối bóng và các loại hình biểu diễn khác. Bao gồm 7 mảnh điêu khắc gỗ khác nhau, mô tả những góc cạnh khác nhau trong một rạp hát, tác phẩm ứng dụng nghệ thuật cắt ghép trên những tác phẩm mới và cũ của tác giả-người đã qua đời ngay sau khi nó được hoàn thành.

Với một trạm tàu điện ngầm nằm kề bên nhà hát Esplanade, tác phẩm mang tính cộng hưởng với nhà hát hiện đại này và người đi nghe hòa nhạc. Nó cũng đánh dấu vai trò quan trọng của nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn trong một môi trường đầy sôi nổi như hiện nay. (ảnh)

Quốc đảo Singapore-Gạch nối giữa hiện tại và tương lai ảnh 1

Một trong những bức tranh cũng gây được nhiều thiện cảm của du khách là “When the ship comes in” tại trạm tàu điện ngầm Bayfront (CE1). Lịch sử buổi đầu của Singapore gắn bó mật thiệt với biển và những con tàu. Trong suốt thế kỷ 14, Singapore đã vươn lên như một bến cảng quan trọng dưới sự cai trị của hoàng tử Sri Vijayan tên là Parameswara cho đến khi bị người Bồ Đào Nha phá hủy vào năm 1613. Lịch sử hiện đại của Singapore bắt đầu vào năm 1819 khi một người Anh là Thomas Stamford Raffles thành lập nên một cảng của người Anh trên đảo. Dưới sự cai trị của thực dân Anh, nơi đây đã phát triển thành trung tâm thương mai của khu vực Trung-Ấn và là cảng trung chuyển thương mại cho khu vực Đông Nam Á. Sau đó, nơi này dần trở thành một thành phố cảng.

Chính vì vậy, tác phẩm “When the ship comes in” nhắc nhớ đến Singapore như một bến cảng đang gọi tàu của những ngày xa xưa, nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ của biết bao con tàu từ những đất nước và nền văn hóa khác nhau. Bức tranh tường này được tạo nên từ sự ghép nối những bức tranh về những con tàu khác nhau, được vẽ bởi các trẻ em Singapore ở độ tuổi từ 7 đến 12, dựa vào hình dáng thật của những con tàu lịch sử và trí tưởng tượng bay bổng của các em. “Thông qua những con tàu được vẽ nên, chúng tôi không chỉ gợi nhớ lại lịch sử của đất nước mà còn nói lên những ước vọng tương lai của trẻ em. Tác phẩm này được xem như một tư liệu ghi lại những sự kiện đáng nhớ chung của xã hội,” tác giả Lee Wen nhấn mạnh. (ảnh)

Quốc đảo Singapore-Gạch nối giữa hiện tại và tương lai ảnh 2

Không kém phần hấp dẫn và hiện ra như một cụm tranh biếm họa được bày bừa ra ở trạm MRT, “Through the Looking Glass” tại Lorong Chuan (CC14) lại cho những cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Nhìn xa là vậy, nhưng khi đến gần hơn, tác phẩm cho thấy những chi tiết tí hon rất buồn cười, đề cập đến các dòng chảy văn hóa Singapore. “Hình ảnh sinh vật Merlion đang bảo vệ hòm kho báu và con người giẫm đạp nhau trong lúc chạy qua một biển chào mừng khách nước ngoài tạo nên những tiếng cười cho người qua lại,” những tác giả thực hiện bức tranh nói một cách hóm hỉnh. (ảnh)

Quốc đảo Singapore-Gạch nối giữa hiện tại và tương lai ảnh 3

Trong khi đó, tác phẩm “Notes towards a Museum of  Cooking Pot Bay” tại trạm TelokBlangah (CC28) lại khơi gợi nhiều suy nghĩ nhất. Michael Lee-nghệ sĩ phụ trách đã làm tốt công việc của mình khi thổi vào không gian thành thị dấu ấn quyến rũ đặc trưng. Bản đồ của khu vực TelokBlangah đuợc phác thảo trong đầu của tác giả. Tác phẩm này không chỉ là sự pha trộn giữa những sự kiện lịch sử và hiện đại mà còn vẽ ra những “bước ngoặt” tương lai bao gồm buổi công chiếu bộ phim viễn tưởng “Transformers vs. SpongeBob SquarePants”. Thậm chí Lee còn đưa vào đó hình ảnh tự họa và đề cập đến AlfianSa’at – một nhà thơ địa phương. Hãy thỏa sức ngắm nhìn những gì bạn có thể tìm được trong tác phẩm sâu sắc này… (ảnh)

Quốc đảo Singapore-Gạch nối giữa hiện tại và tương lai ảnh 4

Trên đây chỉ là một số ít trong vô vàn các tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, giàu trí tưởng tượng được trang hoàng trên các tuyến tàu điện ngầm của Singapore.

Sẽ là một sự so sánh khập khiễng nếu nhắc đến các nhà ga tàu điện tương tự ở Moskva (Nga) hay Paris (Pháp)..., song nếu ghé chân đến quốc đảo xinh đẹp này, bạn đừng quên thả bước chân và ghé mắt lướt qua những bức tranh mang đầy sắc màu và âm hưởng Singapore này nhé.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục