Quốc hội Anh liệu có ngăn cản được Brexit 'cứng'?

Khi Quốc hội hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Hè vào ngày 3/9, các nghị sỹ ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU
Quốc hội Anh liệu có ngăn cản được Brexit 'cứng'? ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp Quốc hội Anh ở London ngày 25/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Financial Times, chỉ một thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Jonhson đã phải chuẩn bị để đối phó với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, những nỗ lực nhằm ngăn chặn Brexit và có thể là một cuộc tổng tuyển cử.

Khi Quốc hội hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Hè vào ngày 3/9, các nghị sỹ ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm hạ bệ chính phủ nhằm ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU không thỏa thuận, hay còn gọi là Brexit "cứng."

Tuy nhiên, thủ tướng Anh và các cố vấn của ông, đứng đầu là Dominic Cummings, tin rằng kế hoạch Brexit của họ sẽ vượt qua được mối đe dọa đó.

Nếu chính phủ bị bất tín nhiệm, ông Johnson dự định sẽ tiếp tục tại chức và trì hoãn cuộc bầu cử cho đến sau ngày 31/10, khi Anh sẽ tự động rời khỏi EU. Liệu kế hoạch của họ có thành công?
 
Chính phủ Johnson có thể vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm?

Câu trả lời là không chắc chắn. Sau khi thất bại tại khu vực bầu cử Brecon và Radnorshire hồi tuần trước, đảng Bảo thủ chỉ còn thế đa số mong manh (chỉ quá bán với một phiếu).

Thế đa số này có thể sẽ mất đi nếu Phillip Lee, một trong số ít nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, bỏ đảng (theo như đúng những tin đồn thời gian qua) để gia nhập hàng ngũ đảng Dân chủ Tự do.

Ngoài ra, cũng có một vài nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Anh ở lại EU, do cựu Bộ trưởng Tư pháp Dominic Grieve dẫn đầu, đã ám chỉ rằng họ sẽ bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống lại chính phủ để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Đây có thể chỉ là lời đe dọa vì bỏ phiếu chống lại đảng và chính phủ của mình có thể dẫn đến cái kết cho sự nghiệp chính trị của họ. Tuy nhiên, nhiều người coi mối đe dọa của việc ra đi không thỏa thuận còn đáng lo ngại hơn cả mối lo sợ về tương lai của chính họ.

Nếu chính phủ thất bại, ông Johnson sẽ từ chức?

Theo hiến pháp không chính thức của Anh, mất tín nhiệm đồng nghĩa với việc thủ tướng phải từ chức. Tuy nhiên, đây chỉ là một quy ước và dường như nhóm của ông Johnson sẵn sàng bỏ qua điều đó.

Các quan chức ở phố Downing đã nói rằng thật là “buồn cười” khi nghĩ rằng thủ tướng sẽ đứng sang một bên nếu các nghị sỹ bỏ phiếu chống chính phủ.

Catherine Haddon, một thành viên kỳ cựu của Viện nghiên cứu Chính phủ, nói rằng áp lực chính trị có thể là vũ khí duy nhất mà các nghị sỹ có để ép ông Johnson từ chức ngay lập tức.

Pháp luật hiện hành không tự động buộc một thủ tướng phải từ chức sau khi bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chuyên gia Haddon giải thích rằng thủ tướng có thể ở lại và quyết định chọn việc tổ chức tổng tuyển cử.

Sau khi mất tín nhiệm tại Hạ viện, khoảng thời gian 14 ngày tiếp theo là để một chính phủ thay thế hình thành. Đây là lúc ông Dominic Grieve và các đồng minh hy vọng thành lập được một “chính phủ đoàn kết quốc gia” bao gồm các nghị sỹ từ nhiều đảng phái muốn tránh việc rời khỏi EU không thỏa thuận.

Ai sẽ quyết định thời gian tổng tuyển cử?

Nếu một chính phủ thay thế không được thành lập, nước Anh sẽ hướng tới tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 25 ngày sau khi hết thời hạn 14 ngày để lập chính phủ kết thúc.

Ngày tổ chức bầu cử được lựa chọn bởi thủ tướng đương nhiệm. Nữ hoàng sẽ chính thức quyết định thời điểm tổ chức bầu cử, nhưng trên cơ sở đề xuất của chính phủ.

[Brexit: EU không muốn bị cuốn vào trò chơi của Boris Johnson]

Với mong muốn mạnh mẽ thực hiện Brexit, ông Johnson sẽ yêu cầu Cung điện Buckingham trì hoãn thời gian bầu cử đến sau ngày 31/10, thời điểm kích hoạt Điều 50 và Anh rời khỏi EU.

Một số luật sư nổi tiếng đã bắt đầu thảo luận về một thách thức pháp lý nếu ông Johnson làm như vậy song vấn đề thời gian lại không ủng hộ những luật sư này. Thời gian bầu cử là do chính phủ quyết định và không có luật lệ nào quy định chính xác điều gì xảy ra tiếp theo.

Điều gì sẽ xảy ra khi bầu cử?

Một cuộc bầu cử có khả năng là một cuộc tranh luận lại về vấn đề Brexit. Ông Cummings đã nói về một chiến dịch “giữa người dân và các chính trị gia,” cuộc đọ sức giữa những người ủng hộ việc rời khỏi EU với các nghị sỹ đã bỏ phiếu chống lại chính phủ và cố gắng ngăn chặn Brexit.

Đảng Dân chủ Tự do sẽ chiến đấu trên nền tảng "Ở lại" kể cả sau khi Brexit không thỏa thuận xảy ra, trong khi Công đảng có khả năng tìm cách tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong nước.

Nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào đầu tháng 11, ngay sau khi xảy ra Brexit không thỏa thuận, ông Johnson sẽ hy vọng thu hút được hầu hết các cử tri ủng hộ "Ra đi" - giúp hạn chế tác động của đảng Brexit - trong khi những người ủng hộ "Ở lại" sẽ bị chia rẽ giữa các đảng khác.

Tuy nhiên, thành công của đảng Bảo thủ sẽ dựa trên cơ sở Brexit không thỏa thuận diễn ra như thế nào. Nếu xảy ra tình trạng đình trệ nghiêm trọng, điều đó có thể thúc đẩy phản ứng dữ dội chống lại chính phủ của ông Johnson.

Nếu tình trạng đình trệ nằm trong tầm kiểm soát, thủ tướng có thể nói rằng ông đã chứng minh những người bỏ phiếu chống là sai lầm.

Anh sẽ vẫn rời EU?

Nếu không có gì thay đổi từ nay đến ngày 31/10, Anh sẽ tự động rời khỏi EU không thỏa thuận, dù nước Anh có chính phủ hay không. Điều 50 đã được kích hoạt (và gia hạn hai lần).

Vì vậy, trừ khi ông Johnson hoặc một thủ tướng khác yêu cầu tiếp tục gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định ra đi, Brexit sẽ xảy ra. Có rất ít khả năng Thủ tướng Johnson - người trở thành lãnh đạo trên nền tảng rời EU - sẽ tạm dừng hoặc trì hoãn Brexit vào ngày 31/10.

Nếu các nghị sỹ ủng hộ "Ở lại" không thể thúc đẩy một cuộc tổng tuyển cử trước ngày Brexit, thì hy vọng cuối cùng của họ là Thư ký Nội các Mark Sedwill thực thi một cách giải thích “che mạng” truyền thống trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử.

Thông thường, điều này có nghĩa là các công chức không thực hiện các thay đổi chính sách lớn trong trong thời gian bầu cử. Có nhiều tranh luận ở Whitehall về việc có nên xem việc rời EU là thực thi một chính sách mới hay không.

Tuy nhiên, theo bà Catherine Haddon, “quy ước chăm sóc” này chỉ là một tục lệ, không phải là luật, để đảm bảo dịch vụ dân sự vẫn công bằng trong bầu cử.

Bà giải thích rằng trong một chiến dịch mà định hướng về vấn đề Brexit gây tranh cãi, thì các công chức có thể thấy mình ở một vị trí rất khó khăn khi quyết định có nên thúc đẩy chính sách của chính phủ hay không và điều này có thể đồng nghĩa với một hình thức đối đầu nào đó.

Tuy nhiên, các quan chức trong chính phủ Johnson nói rằng họ không có ý định tôn trọng quy ước về “che mạng” hoặc trung lập chính sách trong quá trình diễn ra bầu cử. Thay vào đó, trọng tâm của họ là làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo thực hiện được Brexit./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục