Quốc hội Liban chưa bầu được Tổng thống mới sau 12 lần bỏ phiếu

Liban chưa thể bầu ra tổng thống được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ nội bộ tại Liban trong khi đất nước rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới
Quốc hội Liban chưa bầu được Tổng thống mới sau 12 lần bỏ phiếu ảnh 1Các nghị sỹ tại phiên bỏ phiếu bầu Tổng thống của Quốc hội Liban ở Beirut. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/6, Quốc hội Liban đã tổ chức cuộc bỏ phiếu để bầu chọn Tổng thống mới, kế nhiệm ông Michel Aoun-người đã hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp của Liban chưa thể bầu ra tổng thống mới trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 12 này.

Kết quả vòng bỏ phiếu thứ nhất cho thấy ông Jihad Azour, cựu Bộ trưởng Tài chính Liban đồng thời hiện là Giám đốc khu vực Trung Đông và Tây Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giành được 59/128 phiếu, chưa đủ 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định để đắc cử. Trong khi đó, ông Suleiman Frangieh, lãnh đạo Phong trào Marada, được Phong trào Hezbollah và các đồng minh ủng hộ, nhận được 51 phiếu ủng hộ.

Phiên họp của Quốc hội Liban kết thúc sau khi các nghị sĩ phong trào Hezbollah và các đồng minh rời đi, theo đó không hội tụ đủ 2/3 số nghị sĩ cần thiết để tiến hành vòng bỏ phiếu thứ hai.

Việc Quốc hội Liban chưa thể bầu ra tổng thống được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ nội bộ tại Liban trong khi đất nước rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới.

Tỷ lệ lạm phát ở Liban trong tháng 4/2023 đã lên tới 269% do đồng bảng Liban tiếp tục mất giá so với đồng USD. Đây là mức siêu lạm phát tháng thứ 34 liên tiếp ở Liban.

Ngân hàng Thế giới nhận định kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn 2019-2021 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD năm 2021.

[Lebanon quyết tâm bình thường hóa quan hệ với các nước vùng Vịnh]

Nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Michel Aoun đã kết thúc vào tháng 10/2022. Kể từ đó, Quốc hội Liban đã tổ chức tổng cộng 12 cuộc bỏ phiếu để bầu chọn Tổng thống mới, song tình trạng chia rẽ gay gắt đã ngăn cản bất kỳ ứng cử viên nào giành được đủ sự ủng hộ cần thiết để kế nhiệm ông Aoun.

Liban hiện được một Chính phủ lâm thời với quyền lực hạn chế điều hành. Theo thông lệ, chức vụ Tổng thống của Liban thuộc về người Cơ đốc giáo dòng Maronite, ghế Thủ tướng được dành cho người Hồi giáo dòng Sunni và vị trí Chủ tịch Quốc hội thuộc về người Hồi giáo dòng Shi'ite. Phong trào Hezbollah có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị ở Liban ủng hộ ông Sleiman Frangieh ứng cử Tổng thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục