Quốc hội thảo luận sửa đổi luật tổ chức tín dụng

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng.
Trong phiên thảo luận tổ chiều 11/11, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết nhằm khắc phục bất cập của những quy định hiện hành, tạo thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành có hiệu lực thi hành từ 7/1998 và đã được sửa đổi, bổ sung một lần vào năm 2004. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật này đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho tổ chức và hoạt động của hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên, ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng vào thời điểm đó hoạt động ngân hàng còn đơn giản, chưa phát triển. Hiện nhiều quy định của Luật này không còn thích hợp, trở nên gò bó, làm giảm tính tự chủ của tổ chức tín dụng, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và không đồng bộ với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…

Việc hội nhập đặt ra những yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động, dịch vụ ngân hàng, đối xử bình đẳng giữa các loại hình tổ chức tín dụng thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, từng bước áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế.

Mặt khác, quá trình cổ phần hóa các Ngân hàng thương mại Nhà nước đã và đang được triển khai, vì vậy, trong thời gian tới sẽ không còn loại hình ngân hàng thương mại Nhà nước như quy định của Luật hiện hành.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có quy định công khai thông tin một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, một số đại biểu cho rằng việc quy định không đưa ra công luận một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng lại quy định quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt được thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan là không phù hợp.

Trên thực tế, khi một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt không thể tránh khỏi việc rò rỉ thông tin ngay từ nội bộ và có thể dẫn tới những tác động tiêu cực khi không có thông tin chính thống.

Bởi vậy, theo các đại biểu Nguyễn Hoàng Anh và Dương Anh Điền (Hải Phòng) cùng một số đại biểu khác, cần quy định đưa ra công luận việc một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhằm minh bạch thông tin và để người gửi tiền có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình.

Việc này sẽ tạo sự tin tưởng cho xã hội vào hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tác động tiêu cực từ những nguồn thông tin không chính thức.

Đại biểu Trần Bá Thiều bày tỏ băn khoăn về quy định quyền hoạt động ngân hàng tại điều 8 dự thảo Luật và cho rằng nếu chỉ quy định chung chung như vậy sẽ bỏ sót hàng loạt các cửa hàng kinh doanh vàng bạc.

Bởi hiện nay, “tất cả các cửa hàng vàng đều có hoạt động ngân hàng và họ còn năng động hơn các ngân hàng nhiều,” ông Thiều nhận xét.

Cũng về nội dung này, đại biểu Hoàng Anh, với tư cách là thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay điều 106 dự thảo Luật về nghiệp vụ ủy thác và đại lý quy định “ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” là đã bao quát toàn bộ hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng trong luật còn nhiều quy định chưa cụ thể, có quá nhiều nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định.

Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần có các quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, mặt khác cũng bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Một số đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản quy định về công tác phòng chống tham nhũng trong hoạt động ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục