Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 27/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Với 464 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành bằng hình thức biểu quyết điện tử (chiếm 95,47%), Quốc hội đã chính thức thông qua luật trên.
Trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh
Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ sung, chỉnh lý.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội, dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý không thay đổi về số chương, nhưng tăng 1 điều (bổ sung điều 28 quy định về phát triển công nghệ lưỡng dụng và điều 71 quy định về đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; bỏ điều 80 quy định về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân).
Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (điều 21), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định lợi nhuận sau thuế được sử dụng để trích các quỹ theo quy định của pháp luật, trong đó có Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ gắn với nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí nghiên cứu không thành công.
“Việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính sách về vốn điều lệ cũng đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều này. Do đó, để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật,” Chủ nhiệm Lê Tấn Tới thông tin.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết tại khoản 4, có ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về việc trích lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; làm rõ việc quy định trích tối đa toàn bộ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; việc xử lý trong trường hợp nếu sau khi trích Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác mà số tiền không còn hoặc còn rất ít…
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, từ thực tiễn thực hiện việc phân phối lợi nhuận sau thuế của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản này như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
“Với quy định như trên, cùng với việc giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 6 điều này, việc trích lợi nhuận sau thuế sẽ được quy định cụ thể, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm chặt chẽ, khả thi,” Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói./.