Quy định rõ trách nhiệm tổ chức bảo hiểm tiền gửi

Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi.
Sáng 3/11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đại biểu Quốc hội ở các đoàn Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Nam, Trà Vinh... cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.

Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), mặc dù Nghị định về bảo hiểm tiền gửi đã được thi hành trong 12 năm nhưng thực tế có ít người dân và tổ chức tham gia do chưa quen và chưa hiểu hết loại hình bảo hiểm này.

Đại biểu cho rằng trong nền kinh tế thị trường, đi đôi với tái cấu trúc nền kinh tế, ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi là cần thiết, giúp cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tránh những bất ổn như có thể xảy ra hiệu ứng domino.

Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình rằng việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi đáp ứng yêu cầu khách quan của một bộ phận xã hội, theo sự phát triển chung của nền kinh tế, đảm bảo sự cân đối và đồng bộ của hệ thống luật pháp nói chung trong khi những quy định hiện hành còn những tồn tại, hạn chế. Điều này cũng phù hợp với thông lệ chung của thế giới.

Đề cập đối tượng điều chỉnh của Luật, hầu hết các đại biểu nhất trí quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức bởi mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị xem xét đưa vào 3 đối tượng được bảo hiểm tiền gửi: Cá nhân; tổ hợp tác và doanh nghiệp siêu nhỏ (có số lao động dưới 10 người).

Liên quan đến quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) và một số đại biểu khác cho rằng, hệ thống tài chính ngân hàng của nước ta có điểm khác biệt so với các nước. Cần thể hiện sự đặc thù này trong quan điểm xây dựng Luật nhưng việc vận dụng phải thực sự nhuần nhuyễn.

Nhiều đại biểu tán thành với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tiếp tục giữ quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi; theo đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam  do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động nhằm đảm bảo vị thế độc lập tương đối của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tăng lòng tin người gửi tiền. Tuy vậy, cần có cơ chế xử lý minh bạch, rõ ràng, nếu không, dễ dẫn tới khó quy trách nhiệm.

Quy định vai trò, vị trí của tổ chức bảo hiểm tiền gửi như thế nào để có một vị thế độc lập tương đối, có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, minh bạch, khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan tâm của các đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh)...

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi; trách nhiệm khi xảy ra đổ vỡ quỹ bảo hiểm tiền gửi. Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh), quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo chưa rõ; chưa đề cập cụ thể chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định một mức phí hay khung cố định phí bảo hiểm tiền gửi hợp lý và đề nghị nêu cụ thể, ít nhất về nguyên tắc, tiêu chí tính toán, xác định ngay trong Luật thay vì giao Thủ tướng Chính phủ quy định.

Về vấn đề này, theo Ủy ban Kinh tế, trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động thì không nên quy định cố định mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong Luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện.

Nhiều ý kiến tán thành quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác nhằm thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam; không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng; mặt khác, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, trước mắt, cần điều tiết thêm bằng các cơ chế khác, có các giải pháp trung hòa, để Luật mang tính lâu dài và phổ biến.

Cũng trong sáng 3/11, đại biểu Quốc hội các tổ đã thảo luận về Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi); cơ bản nhất trí với việc ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc và bổ sung những quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên nước./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục