Quy định về việc cán bộ miễn nhiệm, từ chức: Cần thiết, kịp thời

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Cường cho rằng Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là rất cần thiết và kịp thời, đáp ứng tình hình hiện nay.
Quy định về việc cán bộ miễn nhiệm, từ chức: Cần thiết, kịp thời ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 3/11, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị.

Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên ở Hà Nội và Cà Mau về Quy định 41-QĐ/TW.

Cần thiết, kịp thời

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Cường thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW, thay thế Quy định 260-QĐ/TW, là rất cần thiết và kịp thời, đáp ứng tình hình hiện nay.

Lý giải về điều này, theo tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Cường, miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc miễn nhiệm, từ chức chưa được thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra.

Tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến ở nhiều nơi, trong các lĩnh vực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41 có nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Trong khi đó, theo quy định cũ, hai khái niệm này được định nghĩa như sau: miễn nhiệm' là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên. Từ chức là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Có thể thấy, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về việc miễn nhiệm với các trường hợp: không đáp ứng được yêu cầu công việc (quy định cũ là năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ); uy tín giảm sút (quy định cũ là mất uy tín); có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức (quy định cũ bao gồm cả trường hợp chưa đến mức bị kỷ luật bãi nhiệm).

Quy định 41 bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm." Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng bổ sung hai khái niệm mới là "vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng" song song với việc bỏ các khái niệm “thôi giữ chức vụ," “cấp có thẩm quyền," "tập thể lãnh đạo” và “cơ quan tham mưu."

[Các căn cứ để xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ]

Đặc biệt, điểm mới nữa của Quy định 41 là không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm. Về nguyên tắc, Đảng sẽ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Quy định 41 quy định rõ đối với 6 trường hợp miễn nhiệm, 4 trường hợp xem xét cán bộ từ chức.

Thời gian quyết định miễn nhiệm, cho từ chức chậm nhất trong 25 ngày. Trước đây, tại Quy định 260, Bộ Chính trị quy định về quy trình xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức theo quy định riêng và quy định thời gian giải quyết, xem xét miễn nhiệm, từ chức của cán bộ là trong thời hạn 30 ngày (theo Điều 19 Quy định 260).

Điểm mới nữa của Quy định 41 là về quy trình miễn nhiệm, từ chức của cán bộ đã được quy định ngắn gọn hơn, giảm bớt hồ sơ cũng như được quy định thống nhất, cụ thể hơn.

Trước đây, theo Quy định 260 yêu cầu hồ sơ của từng trường hợp khi xem xét miễn nhiệm và khi xem xét từ chức cho từng loại riêng. Nay theo Quy định 41, cả trường hợp từ chức và miễn nhiệm đều sử dụng thống nhất những loại hồ sơ như Tờ trình về công tác cán bộ của cơ quan tham mưu; Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; biên bản hội nghị, đơn xin của cán bộ xin từ chức; Báo cáo đề nghị của cơ quan sử dụng cán bộ cùng các tài liệu liên quan khác.

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh với việc siết chặt quy trình công tác cán bộ, đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí cụ thể, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có "vùng cấm," sự việc cán bộ "có lên, có xuống," "có vào, có ra” đã là thực tế được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong thời gian qua. Ngay cả những trường hợp tưởng đã "hạ cánh an toàn” cũng bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm minh nếu có vi phạm.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Tâm Hiếu, đảng viên ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết Quy định 41 lần này đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn khi xem xét miễn nhiệm cán bộ so với Quy định 260. Đó là căn cứ vào một trong các trường hợp như: bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

Đối với cán bộ xin từ chức, việc xem xét được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định...

Đáp ứng tình hình mới

Tiến sỹ Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, chia sẻ thực tiễn tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm lại làm đơn từ chức để giảm bớt khuyết điểm của mình.

Hiện nay, Quy định 41 đã xác định rất rõ, những trường hợp đã xác định miễn nhiệm không được từ chức, điều đó đã lấp vá lỗ hổng, những khoảng trống để cán bộ có vi phạm lợi dụng.

Cụ thể, Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã xác lập hệ thống các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định mới đã có kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể hoá nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đồng thời, quy định này cũng mở đường để từng bước hình thành văn hoá từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm.

Quy định này có kế thừa những kinh nghiệm quốc tế liên quan tới những vấn đề về cán bộ, về thể chế, về quản trị cán bộ, quản trị con người, cụ thể hoá những tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm tạo ra sự thay đổi trong nhận thức đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn cán bộ, để rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng với tình hình mới.

Quy định về việc cán bộ miễn nhiệm, từ chức: Cần thiết, kịp thời ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Tôi cho rằng với việc ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ này có thể mở đường để từng bước hình thành văn hoá từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Việc từ chức cần được nhìn nhận một cách thoáng hơn trong chính các cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn với việc từ chức. Khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm và có những cống hiến vươn lên cũng cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Điều này sẽ giúp cán bộ khi mắc khuyết điểm sẽ không “ngoan cố” tới cùng, không cố gắng tìm đủ mọi cách đề “giữ ghế” đến cùng.

Để hiểu từng tiêu chí như thế nào vẫn cần có một hướng dẫn chi tiết, hướng dẫn thực hiện để các đơn vị áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ. Công tác tổng kết vừa qua cho thấy, một số cán bộ thôi chức chủ yếu là thôi giữ một chức vụ cụ thể để nhận nhiệm vụ mới cao hơn, chứ không phải cho thôi chức vì mắc khuyết điểm, sai phạm. Vì vậy, Quy định mới của Bộ Chính trị đã bỏ quy định liên quan tới cho thôi chức mà tập trung vào miễn nhiệm và từ chức là vấn đề cần thiết về thực tiễn còn đang thiếu.

Cán bộ mắc khuyết điểm chưa đến mức phải kỷ luật nhưng uy tín giảm sút sẽ xem xét miễn nhiệm cán bộ, không đợi đến tuổi nghỉ hưu và cũng không đợi hết nhiệm kỳ, cũng không đợi kỷ luật. Việc từ chức là khuyến khích cán bộ từ chức khi thấy bản thân liên đới trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng... Đảng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ từ chức để đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết đối với cán bộ," tiến sỹ Phạm Quốc Sử nêu ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục