Quy hoạch Cao nguyên đá Đồng Văn thành "bảo tàng"

Theo quy hoạch, Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được quy hoạch trở thành một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa.

Thực hiện Quyết định số 310/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030, ngày 28/11 tại thành phố Hà Giang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn và lãnh đạo Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang về triển khai công tác lập quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; thông qua đề cương quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng việc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030 được thực hiện ở quy mô cấp quốc gia.

Đây là một niềm vui lớn cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, chính vì vậy tỉnh Hà Giang phải có cơ chế, chính sách riêng cho việc phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trong vấn đề quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu, không chỉ đầu tư phát triển đô thị, Hà Giang phải xét đến yếu tố giữ gìn và bảo tồn những nét hoang sơ, đậm đà bản sắc các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bộ Xây dựng giao cho Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện đồ án quy hoạch. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cần phối hợp tốt với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia và các Bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học để sớm hoàn thành xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết đảm bảo tính khả thi.

Theo ông Phạm Xuân Tứ, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia Bộ Xây dựng, Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung là vùng đất địa đầu Tổ quốc, có ý nghĩa địa chính đặc biệt quan trọng. Đây là vùng đất chứa đựng nhiều di sản thiên nhiên về địa chất, nhiều cảnh quan kỳ thú, độc đáo, đa dạng và có giá trị lớn về khoa học, du lịch.

Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, đây là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á, mở ra một cơ hội lớn cho vùng phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm đáp ứng yêu cầu đưa Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch Quốc gia, là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch. Từ đó phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững cho toàn vùng Bắc Bộ.

Quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa, đáp ứng yêu cầu liên kết các giá trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học trong Cao nguyên đá Đồng Văn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và giữ gìn các giá trị có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

Với các mục tiêu trên, việc lập quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là cần thiết. Đồ án được Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý, khoa học để thực hiện các chính sách, chương trình đầu tư phát triển trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Bộ Xây dựng đã thông qua nội dung quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 với các nội dung chính như Quy hoạch Công viên văn hóa địa chất (khu vực huyện Đồng Văn); Quy hoạch Công viên khoa học địa chất (khu vực Mèo Vạc); Quy hoạch các khu công viên sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học (khu vực huyện Yên Minh, Quản Bạ); Quy hoạch xây dựng bốn trung tâm du lịch gồm Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly cho rằng việc quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 là một nhiệm vụ rất quan trọng. Trong những ngày cuối năm 2013 và năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ cùng với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Bộ Xây dựng tập trung mọi nguồn lực làm công tác quy hoạch nhằm tạo cơ hội đầu tư phát triển Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo các ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân bốn huyện nằm trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục bảo tồn các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa.

Tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Cao nguyên đá Đồng Văn; triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có uy tín đến tìm hiểu và đầu tư trong vùng.

Hà Giang đặt mục tiêu xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch Quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục