Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt (Lâm Đồng) được định hướng phát triển các sản phẩm phù hợp với đô thị trọng điểm phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm.
Cụ thể, Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm trong 11 trung tâm phát triển du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, cùng với Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang).
Các trung tâm du lịch này sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm.
Lâm Đồng cùng với các tỉnh Tây Nguyên phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: Du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên vùng đất cao nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên;” du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái.
Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Gia Lai-Kon Tum; Lâm Đồng; Đắk Lắk-Đắk Nông. Liên kết với vùng Đông Nam theo hành lang du lịch Bắc-Nam phía Tây; với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với nước Lào theo hành lang du lịch Đông-Tây (miền Trung).
Đồng thời, Lâm Đồng cũng được xác định nằm trong 1 trong 8 khu vực động lực du lịch sẽ được xây dựng và hình thành trong thời gian tới để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa và thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch.
Về định hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính, Đà Lạt-Lâm Đồng nằm trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trọng điểm phát triển du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.
Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa-Lâm Đồng-Ninh Thuận-Bình Thuận sẽ thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên; đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với nghỉ dưỡng biển, văn hoá vùng đồng bằng với không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.
Về danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia theo quy hoạch, Lâm Đồng có Đan Ki -Suối Vàng. Địa điểm này đồng thời cũng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng để trở thành Khu Du lịch Quốc gia.
Về chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, Khu Du lịch Quốc gia Tuyền Lâm-Lâm Đồng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các Khu Du lịch Quốc gia đã được công nhận, để cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch theo chiều sâu; đồng thời, thành phố Đà Lạt nằm trong nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các trung tâm du lịch gắn với đô thị có tiềm năng và lợi thế, để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Tất cả sự hòa quyện ấy đã tạo cho thành phố Đà Lạt có nhiều tính độc đáo. Đà Lạt đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế.
Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và từ đó, ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương đòi hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng.
Từ đó, thành phố Đà Lạt dần dần hình thành và đã trải qua bao mốc thay đổi của lịch sử. Thời gian kiến tạo của Đà Lạt chưa dài so với nhiều thành phố khác trong cả nước, song với chuỗi thời gian ấy cộng với sự tích lũy đầy sáng tạo của con người qua các thời kỳ đã tạo nên một thành phố có tính đặc thù với nhiều tên gọi ấn tượng: thành phố Festival hoa; thành phố sương mù; thành phố ngàn hoa; thành phố ngàn thông; thành phố tình yêu; thành phố mộng mơ; thành phố trong rừng, rừng trong thành phố; thành phố di sản; thành phố ba thiên đường; thành phố môi trường; tiểu Paris ở phương đông và thành phố cảnh quan.
Sau hơn 130 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Lạt đã trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; thành phố Festival Hoa, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực.
Đà Lạt được nhiều tổ chức quốc tế bình chọn nhiều giải thưởng tốt về du lịch và môi trường, điều này khẳng định Đà Lạt là thành phố hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Đà Lạt được trang Booking.com ghi nhận đứng thứ 3 trong top 10 địa danh ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới năm 2022; Hãng CNN của Mỹ bình chọn Đà Lạt là một trong 18 "kho báu châu Á" năm 2023; Khu Du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm được UNESCO vinh danh là Khu Du lịch tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương tháng 10/2023. Đà Lạt được UNESCO công nhận Đà Lạt thành phố sáng tạo toàn cầu.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng ước đón hơn 5 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế ước đạt 301.000 lượt.
Năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó, khách qua lưu trú 7,6 triệu lượt, khách quốc tế 550 .000 lượt./.
Agoda: Đà Lạt lọt Top 9 điểm đến được yêu thích tại châu Á
Nền tảng du lịch trực tuyến Agoda vừa giới thiệu danh sách 9 điểm đến yêu thích tại châu Á theo lượng tìm kiếm thực hiện trên Agoda vào tháng Một vừa qua và Đà Lạt đã lọt vào danh sách này.