Quy hoạch phát triển điện năng: Còn nhiều bất cập

Kết quả giám sát của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cho thấy, chỉ 3 năm nữa, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện.

Uỷ ban này cảnh báo những bất cập trong quy hoạch phát triển điện và năng lượng cũng khiến nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện. 
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2015, chỉ 3 năm nữa, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện.
 
Ủy ban này cho rằng Chiến lược phát triển ngành điện ban hành vào thời điểm chưa có Luật Điện lực và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 nên thiếu tính kết nối giữa phát triển ngành điện với việc bảo đảm năng lượng sơ cấp cho ngành này.

Phải nhập khẩu than từ năm 2012

Kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy đến năm 2010, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt khoảng 4.500MW, cao hơn so với Chiến lược phát triển ngành điện khoảng 100MW.

Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2011-2020, các nhà máy nhiệt điện than được dự kiến phát triển với tổng công suất cao hơn nhiều so với 4.500-5.500MW nêu trong Chiến lược phát triển ngành điện. Trong đó, một phần đáng kể của công suất nhà máy nhiệt điện than được thiết kế ở miền Nam nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban, ông Hà Văn Hiền, cho biết việc thiết kế nhiều công suất nhà máy nhiệt điện than so với Chiến lược là do nhu cầu điện được dự báo ở mức cao hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo tình trạng thiếu than sẽ diễn ra từ năm 2015 đến năm 2020. Đến  năm 2015, tổng công suất nguồn điện chạy than lên đến trên 43.660MW, trong khi dự báo nhu cầu than năm 2015 khoảng 78 triệu tấn/năm.

Nhưng ngay từ năm 2012, do công suất nguồn điện chạy than lớn hơn định hướng trong Chiến lược và cao hơn khả năng cung ứng than nội địa nên đã phải nhập khẩu than.

Song việc nhập khẩu “cũng hết sức khó khăn do thị trường than trên thế giới đã được sắp xếp tương đối ổn định”. Hệ quả là việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than không tránh khỏi khó khăn về tiến độ và nếu nhập được than thì giá thành sản xuất điện sẽ tăng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội e ngại rằng nếu không có phương án về nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu, khả năng bảo đảm khai thác nguồn sơ cấp bằng nhiệt điện sẽ gặp khó khăn. Đây thực sự là điều đáng lo khi nhiệt điện than chiếm tới 35,5% tổng công suất nguồn điện vào năm 2015.

Bởi vậy, cơ quan giám sát này cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát lại để điều chỉnh và gắn kết giữa quy hoạch điện lực và quy hoạch lĩnh vực liên quan. Điều chỉnh công tác quản lý, khai thác, xuất khẩu than để bảo đảm cân đối nguồn cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI), giảm phụ thuộc nhập khẩu than.

EVN còn được yêu cầu khẩn trương nghiên cứu lập, phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng gió.

Mất cân đối vốn và các dự án chậm tiến độ

Qua giám sát, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét việc phát triển nguồn điện chưa đáp ứng yêu cầu về tính ổn định, công suất lắp đặt nguồn điện theo dự kiến cũng như chưa gắn liền với nhu cầu điện năng dự kiến.

Ủy ban này cảnh báo nhiều dự án sẽ bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện. Năm 2008, dự kiến đưa vào vận hành 39 dự án nguồn thủy điện vừa và nhỏ theo hình thức IPP (nhà sản xuất độc lập), với tổng công suất gần 420MW, nhưng thực tế chỉ đưa vào vận hành được 15 dự án với tổng công suất gần 74MW.

Tổng công suất nguồn điện dự kiến được đưa vào vận hành năm nay là khoảng 3.158MW, công suất các dự án không đúng tiến độ dự kiến khoảng 300MW, chiếm xấp xỉ 10%. Tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo ở mức rất nhỏ.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2006-2015, có 54 dự án nguồn điện do chủ đầu tư ngoài EVN đảm nhận sẽ được thực hiện dưới hình thức IPP/BOT nhưng hiện các nhà đầu tư mới hoàn thành 6 dự án, với công suất gần 2.060MW, đạt gần 6% kế hoạch.

Trong số 48 dự án còn lại, có 23 dự án đang xây dựng, với tổng công suất gần 4.060MW; 16 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với tổng công suất gần 15.330MW và 9 dự án lớn, với tổng công suất gần 15.280MW  thậm chí còn chưa có chủ đầu tư.

Các dự án này chủ yếu là nhiệt điện than quy mô lớn Sự chậm trễ trên có nguyên nhân từ khả năng tài chính của các doanh nghiệp được giao thực hiện dự án không đáp ứng yêu cầu. Các dự án có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD đều gặp khó khăn về vốn.

Ngoài ra, nhiều dự án IPP chưa được tính toán một cách khả thi đã xây dựng vội vàng nhằm mục tiêu nhanh chóng đưa cổ phiếu ra giao dịch trong giai đoạn thị trường chứng khoán phát triển mạnh (năm 2007 và đầu 2008). Khi thị trường chứng khoán suy giảm từ nửa đầu 2008, nhiều dự án IPP/BOT chịu tác động, tiến độ kéo dài và có nhiều khả năng lâm vào tình trạng mất kiểm soát.

Cơ quan giám sát cũng chưa yên tâm khi các dự án do EVN làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn về cân đối tài chính, gây ảnh hưởng đến tiến độ phát triển nguồn điện và lưới điện. Nhu cầu đầu tư và trả nợ giai đoạn từ 2009-2015 của EVN lên đến gần 647.000 tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn này, EVN chỉ có khả năng cân đối được gần 264.110 tỷ đồng, còn thiếu khoảng hơn 382.930 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng mức đầu tư sơ bộ để xây dựng Thủy điện Lai Châu gần 32.570 tỷ đồng; vốn để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là từ hơn 10,2 tỷ USD đến hơn 12,2 tỷ USD.

Với mức tăng GDP khoảng 8,5-9%/năm giai đoạn 2006-2010 và cao hơn, dự báo nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng ở mức 17% năm với phương án cơ sở và 20% năm với phương án cao trong giai đoạn 2006-2015.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội yêu cầu xác định phương án cao là phương án điều hành và chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng trưởng đột biến.

Do đó, để thu hút đầu tư vào ngành điện, Ủy ban đề nghị thực hiện lộ trình xây dựng giá điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường để khuyến khích mạnh các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện lực. EVN cũng cần sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành điện.

Ngoài ra, nghiên cứu thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền, như Ủy ban An ninh năng lượng quốc gia, hoặc tái lập Bộ Năng lượng, để giúp Chính phủ chỉ đạo và phối hợp thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia./.

 Bài viết này được đăng theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân                                               của VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục