Quy hoạch vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị sản phẩm càphê

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm càphê, đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ hình thành hai vùng trồng và sản xuất càphê tập trung với tổng diện tích khoảng 21.000ha.
Quy hoạch vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị sản phẩm càphê ảnh 1Vườn ươm giống càphê của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. (Nguồn: Vietnam+)

Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ hình thành hai vùng sản xuất tập trung gồm vùng trồng càphê tại huyện Cẩm Mỹ, Long Khánh, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành với diện tích khoảng 11.000ha và vùng trồng càphê tại huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc với tổng diện tích khoảng 10.000ha.

Theo quy hoạch hệ thống chế biến bảo quản càphê gắn với sản xuất và xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được tỉnh Đồng Nai phê duyệt, từ nay đến năm 2020, tỉnh cũng sẽ quy hoạch xây dựng một nhà máy chế biến càphê hòa tan với công suất 3.200 tấn/năm và nhà máy tái chế càphê nhân với công suất 100.000 tấn/năm; đầu tư kho ngoại quan tại huyện Nhơn Trạch và kho chứa càphê tại thị xã Long Khánh và huyện Long Thành.

Hệ thống chế biến càphê sẽ được quy hoạch trên cơ sở thị trường, gắn với khả năng cung cấp nguyên liệu của từng vùng sản xuất hàng hóa; ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Việc quy hoạch hệ thống chế biến bảo quản càphê cũng gắn với tổ chức lại sản xuất hàng hóa, liên kết doanh nghiệp với nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Với quy hoạch này, đến năm 2020 tỷ lệ càphê nhân dùng cho chế biến ở quy mô công nghiệp của tỉnh là 70% (tương ứng 314.300 tấn) và tỷ lệ càphê tiêu dùng (càphê chế biến sâu, càphê rang xay và càphê hòa tan) chiếm 28% tổng lượng càphê nhân.

Cụ thể, sản lượng càphê rang xay khoảng 17.600 tấn; sản lượng càphê hòa tan đạt 70.400 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm càphê đạt 700 triệu USD và đến năm 2030 đạt hơn 1 tỷ USD.

[Nhận diện thách thức của ngành càphê Việt Nam trong thời gian tới]

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang ưu tiên đầu tư một số dự án gồm hai nhà máy tái chế càphê nhân xuất khẩu với công suất 100.000 tấn/năm; 3 nhà kho chứa và bảo quản càphê tại huyện Nhơn Trạch, thị xã Long Khánh và huyện Long Thành; xây dựng nhà máy chế biến càphê hòa tan công suất 15.000 tấn/năm tại huyện Nhơn Trạch.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống chế biến, bảo quản càphê trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 dự kiến 1.376,4 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2017-2020 là trên 594 tỷ đồng. Đáng chú ý nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ là 5,6 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu càphê của Đồng Nai đạt trên 230.000 tấn, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu càphê của cả nước. Trong khi đó, tổng sản lượng càphê sản xuất trên địa bàn Đồng Nai chỉ đạt hơn 30.000 tấn, số còn lại được mua từ các tỉnh khác đưa về sơ chế, xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục