Quyền hạn của Hà Nội FC với việc quản lý thương hiệu hình ảnh cầu thủ

Quang Hải và đồng đội tự nguyện hoặc đồng ý với thỏa thuận trong hợp đồng thì câu lạc bộ Hà Nội mới có quyền là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý và sử dụng thương hiệu, hình ảnh, các dấu hiệu liên quan.
Quang Hải chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo cá nhân trên mạng xã hội với Hà Nội FC theo thỏa thuận giữa hai bên. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)
Quang Hải chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo cá nhân trên mạng xã hội với Hà Nội FC theo thỏa thuận giữa hai bên. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Câu lạc bộ Hà Nội vừa ban hành quy định nội bộ khẳng định họ là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý và sử dụng thương hiệu, hình ảnh, các dấu hiệu liên quan đến cầu thủ, huấn luyện viên đội bóng.

Quy định này cho phép câu lạc bộ được hưởng thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên trang cá nhân cầu thủ như Facebook, Twitter, Instagram…

Khái niệm quyền sở hữu hình ảnh, thương hiệu cầu thủ và huấn luyện viên là khái niệm mới mẻ của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, quy định của đội bóng Thủ đô gây ra nhiều thắc mắc, tranh cãi như là: Việc Quang Hải hay các ngôi sao của Hà Nội FC phải chia sẻ thu nhập từ quảng cáo với tư cách cá nhân, không liên quan tới đội bóng chủ quản là đúng hay sai? 

Chia sẻ về vấn đề này Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) - ông Lê Hoài Anh cho hay: “Đối với các vấn đề thuộc về hình ảnh cá nhân, không ai có quyền can thiệp. Việc khai thác hình ảnh cá nhân cầu thủ phục vụ mục đích thương mại cần thực hiện đúng với hợp đồng đôi bên, tuân thủ luật pháp.”

Câu lạc bộ muốn sử dụng hình ảnh, thương hiệu cá nhân của cầu thủ cũng như hưởng lợi từ mảng này cần phải đàm phán chứ không thể áp đặt. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+) 

Ông Lê Hoài Anh khẳng định việc khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ có luật quy định rất cụ thể. Ví dụ như huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, hợp đồng của ông Park Hang-seo với VFF luôn quy định rất rõ về việc chia sẻ quyền lợi quảng cáo dựa trên sự phân biệt quảng cáo với tư cách cá nhân hay huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. 

Theo Tổng thư ký VFF, cầu thủ chỉ chịu trách nhiệm với câu lạc bộ Hà Nội khi xuất hiện với tư cách cầu thủ của đội, trong trang phục thi đấu đội bóng. Còn lại, ở nhiều trường hợp quảng cáo, sử dụng thương hiệu cá nhân không liên quan tới đội bóng chủ quản thì cầu thủ có quyền chia sẻ thu nhập với đội bóng tùy theo hợp đồng giữa hai bên. 

“Nếu xuất hiện với tư cách cá nhân thì không ảnh hưởng hay gặp vấn đề gì. Về việc khai thác hình ảnh cá nhân trên Facebook hay mạng xã hội, nếu cầu thủ đồng ý để câu lạc bộ quản lý, sử dụng thì có thể họ đã từ bỏ quyền của mình, trao điều đó cho đội bóng chủ quản. Vấn đề này thuộc về thoả thuận giữa đôi bên trong hợp đồng,” ông Lê Hoài Anh cho biết. 

Bóng đá Việt Nam đang phát triển, giá trị thương hiệu, hình ảnh của cầu thủ ngày càng lớn. Câu lạc bộ cũng muốn hưởng lợi hay khai thác từ “miếng bánh” này. Dẫu vậy, việc chia sẻ lợi nhuận phải dựa trên đàm phán và hợp đồng giữa cầu thủ và câu lạc bộ. 

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Lấy hợp đồng lao động chuẩn của các giải bóng đá châu Âu làm ví dụ, câu lạc bộ có quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ phục vụ hoạt động thương mại nhưng chỉ ở giới hạn nhất định, còn muốn khai thác hình ảnh các cầu thủ thì phải đàm phán hai bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục