Quyết liệt tìm cách gỡ khó cho cụm tuyến dân cư vượt lũ

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang quyết liệt tự tìm cách tháo gỡ khó khăn để chương trình cụm tuyến dân cư vừa nhanh về tiến độ và vừa đảm bảo chất lượng.
Quyết liệt tìm cách gỡ khó cho cụm tuyến dân cư vượt lũ ảnh 1Triển khai xây dựng nhà ở trên tuyến dân cư vượt lũ ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú (An Giang). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trước tình hình thời hạn hoàn thành chương trình cụm, tuyến dân cư đang đến gần, bên cạnh việc gấp rút đẩy nhanh tiến độ, lấp đầy các cụm, tuyến, hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng quyết liệt tự tìm cách tháo gỡ khó khăn để chương trình cụm tuyến dân cư vừa nhanh về tiến độ và vừa đảm bảo chất lượng.

Tìm cách “gỡ khó”

Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 (2002-2008), giai đoạn 2 tỉnh Đồng Tháp xác định ngay từ đầu về công tác chọn vị trí, lập quy hoạch xác định các cụm tuyến dân cư tốt hơn.

Nhưng vốn đầu tư cho cụm, tuyến dân cư đặc biệt là vốn xây dựng hạ tầng thiết yếu định suất thấp, hoặc khi định suất trong giai đoạn đó đảm bảo nhưng trong quá trình xây dựng 3-4 năm sau không còn đảm bảo.

Những địa phương có kinh phí thì đầu tư thêm hoặc tận dụng những cụm gắn liền với trung tâm xã bởi sẽ tận dụng được các hạ tầng xã hội của xã như trường học, trạm y tế... hạn chế kinh phí đầu tư cho cụm tuyến.

Đối với tuyến sẽ gắn vào các trục giao thông chính có sẵn để khi xây dựng tuyến dân cư xong sẽ thuận tiện cho việc đi lại cho người dân.

Tuy nhiên, nhu cầu của người dân vào cụm, tuyến dân cư của tỉnh vẫn còn nhiều, nhất là gần đây vấn đề sạt lở dọc bờ sông Tiền, sông Hậu, thuộc huyện Hồng Ngự xảy ra liên tục phát sinh những hộ sạt lở mới.

Từ đầu năm đến nay đã có gần 8.000m2 bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của gần 2.000 hộ dân sống trong vành đai.

Hiện tại 400 hộ dân trong tình trạng nguy hiểm đã được di dời vào cụm tuyến dân cư còn khoảng 1.500 hộ dân chưa được bố trí do cụm tuyến giai đoạn 2 các nền không còn nhiều, một số địa phương vẫn còn thiếu những mặt bằng để di dời dân sạt lở mới.

Tỉnh dự báo thời gian tới diễn biến sạt lở vẫn còn phức tạp, tỉnh sẽ kiến nghị trung ương cho xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư hỗ trợ các hộ dân sạt lở, vì các cụm tuyến dân cư hiện tại vẫn chưa đáp ứng số hộ dân ảnh hưởng sạt lở hàng năm.

Về nội lực, tỉnh cũng phải tìm cách tháo gỡ chứ không thể để các hộ này sống trong nguy hiểm.

Đối với tỉnh Long An, chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ được thực hiện tổng thể cùng với chương trình kiểm soát lũ chung của Đồng bằng sông Cửu Long và riêng chương trình cụm, tuyến dân cư ở Long An lại kết hợp song song với chương trình dân sinh vùng lũ với mục tiêu ổn định chỗ ở, nâng cao đời sống người dân, tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho những khu vực dân cư hiện có.

Theo ông Phạm Văn Khoa, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Mộc Hóa, Long An, đặc thù của huyện Mộc Hóa là vùng trũng, đỉnh lũ cao nhất năm 2000 khiến hơn 90% nhà dân bị ngập lũ. Những năm gần đây lũ không còn cao gây khó khăn nên những hộ dân ít chịu ảnh hưởng lớn không chịu di dời.

Theo ông Lưu Đình Khẩn, Giám đốc Sở Xây dựng Long An, bày tỏ do nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng hạn hẹp, nên những vị trí “đắc địa,” các địa phương sẽ tận dụng tối đa cụm, tuyến đó để bán nền sinh lợi, thu hút nguồn vốn nhằm xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh.

Do tâm lý mua đất để dành nên nhiều hộ nền sinh lợi đóng trước 50%, trong khi chính quyền trông chờ vào nguồn vốn đó để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khi chọn được vị trí khác tốt hơn các hộ này lại không quay về chỗ cũ khiến công tác xây dựng hạ tầng cũng gặp nhiều khó khăn về tiến độ, kéo theo những hạng mục khác cũng chậm theo.

Đẩy nhanh tiến độ

Trước tình trạng lượng nền nhà ở còn thừa, trong khi thời hạn hoàn thành đang đến gần, bên cạnh việc gấp rút đẩy nhanh tiến độ, lấp đầy các cụm, tuyến, Sở Xây dựng Long An đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng và đã được cho phép bán nền cho những hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư có nhu cầu mở rộng đất, thêm đất.

Ông Lưu Đình Khẩn cho biết: “Điều này hoàn toàn phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn và chủ trương thực hiện các cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân phải sống tập trung ở những khu vực nhất định để cung cấp điện, nước, xử lý môi trường, thu gom rác, đảm bảo vấn đề sức khỏe và an sinh xã hội. Còn những khu vực dân cư có vị trí không phù hợp sẽ chuyển đổi thành các trang trại gắn với đồng ruộng.”

Trong thời gian tới, tỉnh Long An cũng có chủ trương chuyển đổi công năng một số cụm, tuyến dân cư sang các công trình chức năng khác như công trình phúc lợi công cộng, các cơ sở nghiên cứu, trạm và trại chuyên dùng cho ngành nông nghiệp như nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, giống nông nghiệp...

Ngoài ra, tỉnh chuẩn bị chương trình giải tỏa các nhà ở ven kênh rạch để chuyển lên các cụm, tuyến dân cư còn trống nhằm lấp đầy các cụm, tuyến dân cư.

Còn đối với những hộ đã nhận nền nhưng không vào xây nhà ở, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã chỉ thị cho các địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát danh sách đối tượng đã được xét duyệt vào ở trong cụm tuyến dân cư nhưng không xây dựng nhà thì loại các đối tượng này ra khỏi danh sách, có hướng thu hồi và phân bổ cho những hộ thật sự cần nhà ở vượt lũ. Đồng thời tuyên truyền, vận động và mạnh dạn đưa dân ở những vùng ảnh hưởng lũ và sạt lở mới vào ở trong các cụm tuyến dân cư hiện tại thay thế cho các đối tượng đã bị loại khỏi danh sách.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp cũng đã có nhiều giải pháp vận động những hộ dân đã xét xây dựng nhà. Bởi khi chương trình kết thúc sẽ có thêm khó khăn khi ngân hàng không cho vay nữa.

Hiện tỉnh cũng hướng đến xây dựng những khu tập trung để dạy nghề, liên hệ các doanh nghiệp, khu công nghiệp để kết hợp đào tạo nghề cho người dân.

Riêng các cụm, tuyến dân cư nằm ở vùng sâu không có các khu, cụm công nghiệp sẽ thành lập các tổ phục vụ nông nghiệp như phục vụ các máy gặt đập liên hợp, giải quyết việc làm cho người dân.

Từ thực tế khảo sát tại các cụm tuyến dân cư một số tỉnh, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng để chương trình hoàn thành đúng kế hoạch, đối với số vốn ngân sách trung ương chưa được cấp đủ theo kế hoạch được duyệt, các tỉnh cần chủ động ứng trước vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện.

Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong cụm, tuyến dân cư như chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục, nhằm sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho cụm tuyến dân cư vượt lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục