“Ra cảnh báo môi trường sớm hơn nhờ công nghệ”

Nhờ công nghệ thông tin, cơ quan quản lý có thể ra cảnh báo môi trường sớm, giúp người dân giảm thiểu thiệt hại khi thảm họa xảy ra.
Tuy mới được triển khai, song dự án thí điểm Dự án ứng dụng hạ tầng thông tin phục vụ lĩnh vực môi trường do Việt Nam-Nhật Bản phối hợp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bên lề Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng và Quản lý môi trường: Thử nghiệm và Kinh nghiệm từ Nhật Bản,” Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng (Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số-Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam), Giám đốc dự án đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Vietnam+.

- Quản lý môi trường, tiết kiệm năng lượng nhờ công nghệ thông tin dường như vẫn là một điều mới mẻ đối với Việt Nam. Xin ông nói rõ hơn về dự án này?

Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng: Tháng 9/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (MIC Việt Nam) và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC Nhật Bản) đã ký văn bản  hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Cụ thể bằng việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động môi trường và tiết kiệm năng lượng thông qua dự án thí điểm trong năm 2012. Mục đích là phòng ngừa thiên tai và tiết kiệm năng lượng bằng hệ thống thông tin truyền thông và mạng lưới cảm biến.

Dự án thí điểm này được MIC Nhật Bản giao cho Viện Nghiên cứu Mitsubishi thực hiện dưới sự giám sát và cung cấp ngân sách của MIC Nhật Bản, đối tác triển khai phía Việt Nam là Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung Số Việt Nam, thuộc MIC Việt Nam.

Hai bên thực hiện khảo sát, nghiên cứu hiện trạng hạ tầng CNTT và xây dựng Hệ thống mạng giám sát môi trường, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai, tiết kiệm năng lượng dựa trên các công nghệ mới nhất như truyền dẫn không dây mắt lưới, năng lượng mặt trời, tích hợp cảm biến, camera giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu ứng dụng đám mây iDragon Clouds.

Kết quả của dự án thí điểm sẽ là cơ sở quan trọng để hai bên Việt Nam và Nhật Bản xem xét, phê duyệt và cấp nguồn vốn vay ưu đãi chính phủ (ODA) mở rộng “Hệ thống mạng giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai” cho các địa phương tại Việt Nam, cũng như nhân rộng cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á...

Dự án này được chúng tôi tiến hành hơn một năm nay song ở giai đoạn khảo sát, phê duyệt địa điểm lắp đặt khả thi và chuẩn bị. Từ đầu 2012 mới chính thức đưa hệ thống, thiết bị công nghệ vào hoạt động.

- Kết quả bước đầu của dự án đến nay có khả quan không, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng: Kết quả đầu tiên phải kể đến sự hỗ trợ của hai chính phủ đến nay là rất tốt cho sự hợp tác từ khâu khảo sát đánh giá đến triển khai. Các đối tác hai bên đều thẳng thắn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Sau thí điểm, các hệ thống công nghệ thông tin sẽ được để lại cho địa phương tiếp tục vận hành, khai thác, thu thập, báo cáo và chia sẻ dữ liệu ứng dụng trên nền tảng công nghệ đám mây. Chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ tiếp tục cho địa phương những giải pháp mang tính tổng thể hơn sau dự án như nâng cấp hạ tầng CNTT, tổ chức quản lý kho dữ liệu môi trường và chuẩn trao đổi dữ liệu ...

Cụ thể, các cơ quan nhà nước sẽ theo dõi thường xuyên kết quả dữ liệu môi trường phối hợp với thông tin dự báo hàng năm của trung tâm khí tượng thủy văn để tập huấn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ sớm cho người dân, doanh nghiệp các phương thức phòng chống, ứng phó với các tình huống môi trường một cách hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ như ở Cần Thơ, dự án triển khai thiết bị đo mặt nước, camera giám sát mặt nước... Hệ thống này thu thập thông tin 10 phút/lần, tự động truyền dữ liệu về trung tâm dữ liệu tại Sở Thông tin và Truyền thông, có đội ngũ chuyên gia xem từng giờ. Qua đó, có sự đối chiếu, so sánh để đưa ra những phân tích, nhận định về môi trường nước, báo cáo cho lãnh đạo thành phố, các ban ngành và cung cấp thông tin để phục vụ công tác cảnh báo sớm cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện, dự án mới đang thu thập dữ liệu. Song trong năm nay, thông tin có thể đưa đến cho người dân qua nhiều kênh như hệ thống đài duyên hải, đài phát thanh về mực nước ở thời điểm hiện tại, thông tin tàu bè...

- Ông có nhận xét gì về sự vào cuộc của địa phương trước một vấn đề còn khá mới mẻ tại Việt Nam?

Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng: Ban đầu các địa phương rất lo lắng, vì không biết dự án này đến với họ theo phương thức bán hàng hay làm gì. Chúng tôi đã có những buổi đến làm việc và báo cáo chi tiết rằng dự án thí điểm có sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản nên họ rất hoan nghênh và hỗ trợ chúng tôi trong việc khảo sát đến triển khai.

- Qua dự án này, phía Việt Nam sẽ rút ra kinh nghiệm gì trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng:
Dự án sẽ giúp các đơn vị ở Việt Nam hiểu hơn tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng CNTT, điện toán đám mây là nền tảng cho việc ứng khoa học công nghệ trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, chúng ta cần mở rộng vùng cung cấp thông tin thông qua sự kết hợp giữa công nghệ trong và ngoài nước, giúp giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng hệ thống và kết quả thu thập dữ liệu môi trường.

Các đối tác phía Nhật Bản ngoài việc trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm đã đưa ra các công nghệ hiệu quả hơn về chi phí cho phía Việt Nam thay vì phải đầu tư 100%, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tôi cho rằng, với trình độ hiện tại và mô hình hợp tác trao đổi quốc tế về kinh nghiệm và công nghệ, Việt Nam sẽ dần chủ động trong việc thiết kế, xây dựng giải pháp, lựa chọn công nghệ và thiết bị đo kiểm chất lượng môi trường, năng lượng… phần nào chúng ta làm được và phần nào thật sự cần thiết nên mua của nước ngoài.

Và rõ ràng, với sự vào cuộc của các nguồn lực, chúng ta mới giảm thiểu được vấn đề sử dụng năng lượng một cách lãng phí cũng như cảnh báo môi trường - khi mà các cơn thịnh nộ của thiên nhiên từ biến đổi khí hậu đang đe dọa hiện hữu tới Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!/.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục