Những người anh hùng “chẳng ai nhớ mặt đặt tên” ấy cho tới tận bây giờ khi nước rút, vẫn cứ lặng thầm ở những góc nhỏ xa xôi nhất của mình.
Phải vất vả lắm, chúng tôi mới có thể thuyết phục được anh nông dân Nguyễn Kim Lành (xã Yên Lộc, Hương Khê) kể lại câu chuyện... vợ đẻ mấy ngày lũ dữ.
Mấy hôm nước lớn tràn về xã, nhà anh may mắn nơi đất cao, nước chỉ kịp vươn đến nửa chân bàn. Anh định bụng sẽ tham gia đội cứu trợ của xã nhưng lòng anh lại bị dày vò bởi nếu anh đi, trong nhà chỉ còn một mẹ già với hai đứa con chưa đầy ba tuổi. Quan trọng là vợ anh đang mang bầu, sắp tới ngày chuyển dạ, anh chẳng thế nào yên lòng bỏ mặc mấy mẹ con.
Anh Lành kể tối hôm đó, mưa lớn tràn về khiến hai đứa nhỏ nhà anh sợ co rúm, cứ rúc vào người mẹ khóc ngằn ngặt. Cả nhà có mỗi anh là chỗ dựa, đồ đạc trong nhà ướt nhẹp đã đành, nước cũng đang nhăm nhe liếm trọn cả mấy tạ thóc anh chất trong kho. Nếu không nhanh tay chuyển đi, cả nhà anh sẽ mất trắng.
Thế nhưng, nhìn về hướng mấy hộ dân phía dưới, anh Lành bỗng thấy rợn tóc gáy khi cả một cánh đồng nước đang hung hãn dâng lên tới tận nóc nhà... Nhiều nơi thậm chí, cả một khoảng rộng lớn mấy chục ngôi nhà nhưng giờ cũng mất dấu trong dòng nước lũ xoáy tít.
Chẳng kịp có thời gian đắn đo, anh nông dân 35 tuổi vơ tạm chiếc mũ cối rồi cứ thế quần đùi áo cộc chạy thẳng ra sân Ủy ban góp chung vào đội cứu trợ đang chuẩn bị xuất quân.
“Nhà cửa thì như thế, mình đi giữa trời mưa lũ có khi chẳng biết sống chết ra sao, nhưng lúc đó chỉ nghĩ đơn giản, đang có nhiều người cần sự giúp đỡ của mình,” anh Lành tâm sự.
Anh Lành bảo lúc đó chỉ định bụng đi một chốc rồi về nhà trông mấy mẹ con. Nhưng rồi, nước lũ cứ điên cuồng đòi nuốt chẳng lấy mọi người. Đoàn cứu trợ của anh chưa cứu xong người này, đã lại nghe tiếng thất thanh của người khác.
“Nhà chỉ cách dăm chục bước chân nhưng cũng không thể về được. Lúc đó trời về khuya, lạnh buốt, mình không cứu người ta thì chắc họ cũng khó sống đến sáng hôm sau,” anh Lành thật thà.
Đêm hôm ấy, trong khi anh Lành lăn mình vào lũ dữ, đứa con thứ ba của anh cũng cất tiếng khóc chào đời trong tiếng gầm của dòng Ngàn Sâu ngầu nước. Cũng chính trong thời khắc thiêng liêng ấy, người đàn ông mới lên chức làm bố... lần thứ ba suýt phải vùi mình vào lòng nước.
Giờ nhớ lại, Lành vẫn chưa hết rùng mình. Chiếc thuyền gỗ của đội cứu hộ khi ấy nhận được cuộc gọi từ tít tận cuối làng. Mặc dù đã 3 giờ sáng, nước dâng lên quá các nóc nhà thấp, nhưng Lành vẫn cùng phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Hưng vượt sóng cứu người.
Đến nơi cuộc gọi phát ra, đoàn cứu hộ xã Lộc Yên thấy trên nóc nhà cả người, cả hươu đang đứng co ro với nhau. Ở xã miền núi xa xôi này, con hươu là cả một gia tài lớn với người dân. Nghĩ thế, đoàn cứu hộ đưa cả người, cả vật nuôi xuống thuyền.
Đi được một quãng, người ướt sũng nước, bỗng con nước trở mình. Sóng dựng đứng, xoáy thẳng vào lòng thuyền. Không kịp trở tay, tất cả những người có mặt trên đó đều bị quăng ra xa vài mét.
“Mấy anh em cố sống cố chết bám vào những cành cây vươn ra, đồ đạc, hươu nai lúc ấy đều bị cuốn hết,” Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hưng nhớ lại.
Bám đến lúc tay bỏng rát, cả người mỏi nhừ thì vừa may có thuyền biết tin đến cứu. Cũng trong khoảnh khắc thập tử nhất sinh ấy, ở nhà, cả gia đình 4 người cùng với một sinh linh nhỏ bé cứ ngóng mãi người cha trở về.
Phải đến hai ngày sau, nghĩa là sáng 21/10, Lành mới biết tin vợ đã chuyển dạ. Mừng mừng, tủi tủi, anh nông dân đội cứu hộ xã Lộc Yên ào về nhà. Nước cũng dần rút khỏi Hương Khê.
“Cháu sinh đúng ngày bố cháu suýt mất mạng vì lũ dữ, đến ngày đầy tháng, tôi sẽ tặng cháu một cái tên để cháu mãi nhớ việc này,” anh Lành thành thật./.
Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, một đội “đặc nhiệm” làm nhiệm vụ cứu hộ đã được xã Lộc Yên thành lập khẩn cấp khi nước bắt đầu đe dọa xóm làng. 20 trong số 30 thành viên của đội đều là những người nông dân, vốn chỉ quen với đá sỏi ruộng đồng. Cùng với 10 thành viên là các cán bộ xã, họ chia nhau trên 10 chiếc thuyền nhỏ, tỏa đi khắp các xóm làng để di dân và cứu đói. |