Ra mắt Câu lạc bộ Mạng lưới Bảo đảm Chất lượng Giáo dục Đại học Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu Lạc bộ có ý nghĩa quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. (Ảnh: BTC)
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. (Ảnh: BTC)

Ngày 20/12/2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam” và ra mắt Câu lạc bộ Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Đại học Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu Lạc bộ này là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

Thành viên của Câu lạc bộ là các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tham gia nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học. Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ đại học; vấn đề mô hình đại học – trường đại học ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong giáo dục đại học; xây dựng Đại học Số của Việt Nam. Bên cạnh đó là vấn đề xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế và bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam; nghiên cứu hỗ trợ học sinh tự kỷ trong giáo dục đại học...

Câu lạc bộ cũng sẽ nghiên cứu thảo luận về các chủ đề rất thiết thực như đổi mới chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; chia sẻ tài nguyên, học liệu trong hệ thống giáo dục đại học; giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học nhằm đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

cau-lac-bo-1-3667.jpg
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: BTC)

Cùng với việc ra mắt Câu lạc bộ Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Đại học Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Các báo cáo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học và Đại học Số trong thời đại ngày nay, vấn đề Chuyển đổi Số trong giáo dục, sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của Trí tuệ Nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Đây đều là những nhân tố mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0, tạo ra không ít cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho giáo dục đại học.

Từ thực tế này đã nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để có cách tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, phương pháp dạy và học mới cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và Trí tuệ Nhân tạo đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó là vấn đề thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu; vấn đề về kiểm định chất lượng, đặc biệt là với các chương trình khối ngành sức khỏe nhằm thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục