Ranh giới giữa lạm phát một con số và hai con số đang trở nên “mong manh” bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng qua đã ở ngưỡng 9,58% trong khi thời gian “về đích” chỉ còn tính theo ngày.
Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, ưu tiên cao nhất lúc này là dồn sức quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tới mức thấp nhất những tác động bất lợi đến nền kinh tế và cuộc sống người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Khổ nhất người thu nhập thấp
Chỉ cách đây độ 5 tháng, tiền chợ cho bữa cơm chiều của một gia đình cán bộ về hưu như gia đình bà Quyên gồm 4 người (khu tập thể Trung Tự-Hà Nội) chỉ 40.000 đồng là đã có mâm cơm khá ngon với thịt lợn rim, đậu quả luộc và đĩa đậu phụ rán sốt cà chua.
Nhưng nay, để có bữa cơm như vậy, bà Quyên phải mất thêm khoảng 15.000 đồng bởi thịt lợn, đậu quả, đậu phụ, thậm chí cà chua đã đồng loạt tăng giá. Đó là chưa kể chất đốt, dầu mỡ, nước mắm, gạo…món gì cũng tăng giá. Bà Quyên cho hay, túi tiền có hạn nên các khoản chi tiêu không cấp thiết khác sẽ được cắt giảm bớt để đảm bảo tiền chợ.
Cũng như nhà bà Quyên, hàng triệu gia đình làm công ăn lương khác, nhất là các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…đang phải đối mặt với khó khăn trong thời buổi giá cả lương thực, thực phẩm “chỉ lên mà không xuống.” Tình trạng này càng khó khăn hơn ở những vùng hứng chịu thiên tai nặng nề.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lạm phát cao sẽ khiến nguồn lực phân bổ không hiệu quả bởi xuất hiện các hoạt động đầu cơ, găm giữ bất động sản, vàng, ngoại tệ thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Đặc biệt, người nghèo-những người chỉ sống nhờ vào tiền lương sẽ bị ảnh hưởng nhất khi lạm phát cao.
Tiền lương hay thu nhập định kỳ chỉ được điều chỉnh theo từng thời điểm nhất định, lạm phát cao sẽ làm mức thu nhập thực tế của người lao động bị giảm, dẫn tới sức mua giảm. Vì vậy, từ nước phát triển đến đang phát triển, mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới từ 3-4% luôn được đặt lên hàng đầu.
Với Việt Nam, trong khi nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn chiếm gần 40% trong cơ cấu tiêu dùng người dân, lạm phát cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoản chi tiêu lớn nhất và thiết yếu nhất (lương thực và thực phẩm) của người thu nhập thấp.
Cần kiên định trong điều hành vĩ mô
Để chống lạm phát, biện pháp quan trọng mà cả thực tiễn và lý luận đều đã chứng minh là thắt chặt tài khóa (các khoản chi tiêu) và thắt chặt tiền tệ (cung tiền). “Trong ngắn hạn không thể có mục tiêu hoàn hảo. Để kiềm chế lạm phát và đạt được mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải thắt chặt và nhiều khi phải chấp nhận đánh đổi lợi ích của một số doanh nghiệp,” tiến sĩ Thành khẳng định.
Với đặc thù “cơ thể” kinh tế hiện chưa thể “hấp thụ” vốn hiệu quả, việc tăng cung tiền đã đẩy đồng Việt Nam mất giá cao hơn nhiều so với các đồng tiền khác, dẫn tới “vòng xoáy” đôla, vàng… Bên cạnh đó, với đặc điểm là nước nhập siêu, khi tăng cung tiền đồng, giá tiền đồng sẽ mất giá so với USD, dẫn tới vòng xoáy lạm phát. Đặc biệt, với kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư công, tình hình lạm phát hiện nay là do áp lực của tổng cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng.
Theo ông Thành, lạm phát hiện nay chính là kết quả của sự không kiên định trong điều hành vĩ mô. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vừa mới có dấu hiệu “sáng sủa” đã vội vã quay sang nới lỏng tiền tệ.
Việc CPI của tháng Chín, Mười và Mười Một liên tiếp lập kỷ lục tăng cao nhất so với các tháng cùng kỳ của 10 năm lại đây là bài học thực tiễn sâu sắc giúp Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn hơn về điều hành vĩ mô.
Nhìn tổng thể, phải hiểu thắt chặt tiền tệ là mục tiêu tăng trưởng 25% về tín dụng của năm 2010 là con số nằm trong phạm vi mục tiêu. “Không phải cứ vì doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất cao thì điều hành vĩ mô được phép nới lỏng tiền tệ,” ông Thành khẳng định.
Hướng tới mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô”
Với hầu hết các nước, áp lực để ổn định kinh tế vĩ mô đã rất cao. Vì vậy, trong điều kiện “sức đề kháng” của “cơ thể” kinh tế Việt Nam chưa mạnh, thực hiện mục tiêu này còn khó khăn hơn rất nhiều.
Theo ông Thành, để ổn định kinh tế vĩ mô, giải pháp phải xuất phát từ chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách bình ổn giá chỉ là tình thế, không phải là mấu chốt, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết WTO và nền kinh tế thị trường, trong khi ngân sách quốc gia còn khó khăn.
Tiến sĩ-chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) chỉ rõ, các biện pháp ngăn ngừa lạm phát cao nên bắt nguồn từ nguyên nhân gây ra. Thực chất của việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô. Để xảy ra lạm phát cao rồi mới triển khai bình ổn giá sẽ không mang lại hiệu quả bởi qui mô hỗ trợ còn nhỏ và đối tượng lại hạn chế. Ví dụ rõ nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều triển khai bình ổn giá nhưng giá cả vẫn tăng “chóng mặt” ở các chợ bên ngoài “điểm bình ổn.”
Theo dự báo mới nhất của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á năm 2011 sẽ thấp hơn năm 2010. Vì vậy khi tăng trưởng của các nước đối tác của Việt Nam bị giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Khó khăn sẽ còn được cộng hưởng thêm khó khăn bởi nền kinh tế bị "đôla hóa" và "vàng hóa" cao trong khi tâm lý người dân bất ổn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, năm 2011, với mục tiêu GDP tăng khoảng 7%, Việt Nam khó có thể giảm ngay mức lạm phát từ trên dưới 10% của năm 2010 xuống mức an toàn 4-5% cả năm bởi việc “hạ độ cao đột ngột” như vậy sẽ gây ra cú shock với nền kinh tế do chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt tiền tệ. Vì vậy mục tiêu giữ lạm phát ở mức khoảng 7% trong năm 2011 có vẻ khả thi...
Về lâu dài thì lạm phát nên duy trì ở mức 4-5% là tốt. Bên cạnh đó, chính sách điều hành cũng phải dựa trên tiêu chí “không để mức lạm phát hàng năm dao động quá lớn.
Trong giai đoạn này, giải pháp hết sức quan trọng với Việt Nam là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp tăng trưởng tốt trong dài hạn. Đây phải là tư duy nhất quán, thường trực trong điều hành.
"Không thể lơ mơ giữa đánh đổi tăng trưởng lấy bất ổn; đánh đổi bất ổn cho tăng trưởng. Về ngắn hạn, kiên định mục tiêu ổn định có thể tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp nhưng bài học của nhiều nước và của Việt Nam trong lịch sử là ví dụ cho thấy: "Hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô để đánh đổi tăng trưởng có thể dần tới khủng hoảng," ông Thành cảnh báo.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thể áp dụng một vài biện pháp kỹ thuật như phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thắt chặt chính sách tài khóa có thể thực hiện đồng thời với chính sách tiền tệ linh hoạt và ngược lại. Đây là nghệ thuật trong điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu thực thi chính sách tài khóa nghiêm khắc theo hướng hạn chế và tăng hiệu quả chi tiêu thì có thể tạo ra dư địa tốt hơn cho chính sách tiền tệ.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề xuất: Về dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng GDP theo cách tăng vốn đầu tư như hiện nay sang đầu tư theo chiều sâu và hiệu quả trên nguyên lý điều chỉnh tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ.
"Mục tiêu kiềm giữ lạm phát cả năm ở mức 8% như đề ra rất khó thực hiện và lạm phát năm 2010 tác động bất lợi cho năm 2011 đang “lộ diện”. Tuy nhiên, thông điệp được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đưa ra đã bắt đầu theo quỹ đạo chấp nhận tăng trưởng thấp hơn để đảm bảo phát triển ổn định trong dài hạn. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ quyết tâm dám cải tổ để đạt được ổn định thực sự," ông Thành bày tỏ lạc quan./.
Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, ưu tiên cao nhất lúc này là dồn sức quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tới mức thấp nhất những tác động bất lợi đến nền kinh tế và cuộc sống người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Khổ nhất người thu nhập thấp
Chỉ cách đây độ 5 tháng, tiền chợ cho bữa cơm chiều của một gia đình cán bộ về hưu như gia đình bà Quyên gồm 4 người (khu tập thể Trung Tự-Hà Nội) chỉ 40.000 đồng là đã có mâm cơm khá ngon với thịt lợn rim, đậu quả luộc và đĩa đậu phụ rán sốt cà chua.
Nhưng nay, để có bữa cơm như vậy, bà Quyên phải mất thêm khoảng 15.000 đồng bởi thịt lợn, đậu quả, đậu phụ, thậm chí cà chua đã đồng loạt tăng giá. Đó là chưa kể chất đốt, dầu mỡ, nước mắm, gạo…món gì cũng tăng giá. Bà Quyên cho hay, túi tiền có hạn nên các khoản chi tiêu không cấp thiết khác sẽ được cắt giảm bớt để đảm bảo tiền chợ.
Cũng như nhà bà Quyên, hàng triệu gia đình làm công ăn lương khác, nhất là các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…đang phải đối mặt với khó khăn trong thời buổi giá cả lương thực, thực phẩm “chỉ lên mà không xuống.” Tình trạng này càng khó khăn hơn ở những vùng hứng chịu thiên tai nặng nề.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lạm phát cao sẽ khiến nguồn lực phân bổ không hiệu quả bởi xuất hiện các hoạt động đầu cơ, găm giữ bất động sản, vàng, ngoại tệ thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Đặc biệt, người nghèo-những người chỉ sống nhờ vào tiền lương sẽ bị ảnh hưởng nhất khi lạm phát cao.
Tiền lương hay thu nhập định kỳ chỉ được điều chỉnh theo từng thời điểm nhất định, lạm phát cao sẽ làm mức thu nhập thực tế của người lao động bị giảm, dẫn tới sức mua giảm. Vì vậy, từ nước phát triển đến đang phát triển, mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới từ 3-4% luôn được đặt lên hàng đầu.
Với Việt Nam, trong khi nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn chiếm gần 40% trong cơ cấu tiêu dùng người dân, lạm phát cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoản chi tiêu lớn nhất và thiết yếu nhất (lương thực và thực phẩm) của người thu nhập thấp.
Cần kiên định trong điều hành vĩ mô
Để chống lạm phát, biện pháp quan trọng mà cả thực tiễn và lý luận đều đã chứng minh là thắt chặt tài khóa (các khoản chi tiêu) và thắt chặt tiền tệ (cung tiền). “Trong ngắn hạn không thể có mục tiêu hoàn hảo. Để kiềm chế lạm phát và đạt được mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải thắt chặt và nhiều khi phải chấp nhận đánh đổi lợi ích của một số doanh nghiệp,” tiến sĩ Thành khẳng định.
Với đặc thù “cơ thể” kinh tế hiện chưa thể “hấp thụ” vốn hiệu quả, việc tăng cung tiền đã đẩy đồng Việt Nam mất giá cao hơn nhiều so với các đồng tiền khác, dẫn tới “vòng xoáy” đôla, vàng… Bên cạnh đó, với đặc điểm là nước nhập siêu, khi tăng cung tiền đồng, giá tiền đồng sẽ mất giá so với USD, dẫn tới vòng xoáy lạm phát. Đặc biệt, với kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư công, tình hình lạm phát hiện nay là do áp lực của tổng cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng.
Theo ông Thành, lạm phát hiện nay chính là kết quả của sự không kiên định trong điều hành vĩ mô. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vừa mới có dấu hiệu “sáng sủa” đã vội vã quay sang nới lỏng tiền tệ.
Việc CPI của tháng Chín, Mười và Mười Một liên tiếp lập kỷ lục tăng cao nhất so với các tháng cùng kỳ của 10 năm lại đây là bài học thực tiễn sâu sắc giúp Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn hơn về điều hành vĩ mô.
Nhìn tổng thể, phải hiểu thắt chặt tiền tệ là mục tiêu tăng trưởng 25% về tín dụng của năm 2010 là con số nằm trong phạm vi mục tiêu. “Không phải cứ vì doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất cao thì điều hành vĩ mô được phép nới lỏng tiền tệ,” ông Thành khẳng định.
Hướng tới mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô”
Với hầu hết các nước, áp lực để ổn định kinh tế vĩ mô đã rất cao. Vì vậy, trong điều kiện “sức đề kháng” của “cơ thể” kinh tế Việt Nam chưa mạnh, thực hiện mục tiêu này còn khó khăn hơn rất nhiều.
Theo ông Thành, để ổn định kinh tế vĩ mô, giải pháp phải xuất phát từ chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách bình ổn giá chỉ là tình thế, không phải là mấu chốt, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết WTO và nền kinh tế thị trường, trong khi ngân sách quốc gia còn khó khăn.
Tiến sĩ-chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) chỉ rõ, các biện pháp ngăn ngừa lạm phát cao nên bắt nguồn từ nguyên nhân gây ra. Thực chất của việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô. Để xảy ra lạm phát cao rồi mới triển khai bình ổn giá sẽ không mang lại hiệu quả bởi qui mô hỗ trợ còn nhỏ và đối tượng lại hạn chế. Ví dụ rõ nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều triển khai bình ổn giá nhưng giá cả vẫn tăng “chóng mặt” ở các chợ bên ngoài “điểm bình ổn.”
Theo dự báo mới nhất của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á năm 2011 sẽ thấp hơn năm 2010. Vì vậy khi tăng trưởng của các nước đối tác của Việt Nam bị giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Khó khăn sẽ còn được cộng hưởng thêm khó khăn bởi nền kinh tế bị "đôla hóa" và "vàng hóa" cao trong khi tâm lý người dân bất ổn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, năm 2011, với mục tiêu GDP tăng khoảng 7%, Việt Nam khó có thể giảm ngay mức lạm phát từ trên dưới 10% của năm 2010 xuống mức an toàn 4-5% cả năm bởi việc “hạ độ cao đột ngột” như vậy sẽ gây ra cú shock với nền kinh tế do chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt tiền tệ. Vì vậy mục tiêu giữ lạm phát ở mức khoảng 7% trong năm 2011 có vẻ khả thi...
Về lâu dài thì lạm phát nên duy trì ở mức 4-5% là tốt. Bên cạnh đó, chính sách điều hành cũng phải dựa trên tiêu chí “không để mức lạm phát hàng năm dao động quá lớn.
Trong giai đoạn này, giải pháp hết sức quan trọng với Việt Nam là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp tăng trưởng tốt trong dài hạn. Đây phải là tư duy nhất quán, thường trực trong điều hành.
"Không thể lơ mơ giữa đánh đổi tăng trưởng lấy bất ổn; đánh đổi bất ổn cho tăng trưởng. Về ngắn hạn, kiên định mục tiêu ổn định có thể tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp nhưng bài học của nhiều nước và của Việt Nam trong lịch sử là ví dụ cho thấy: "Hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô để đánh đổi tăng trưởng có thể dần tới khủng hoảng," ông Thành cảnh báo.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thể áp dụng một vài biện pháp kỹ thuật như phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thắt chặt chính sách tài khóa có thể thực hiện đồng thời với chính sách tiền tệ linh hoạt và ngược lại. Đây là nghệ thuật trong điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu thực thi chính sách tài khóa nghiêm khắc theo hướng hạn chế và tăng hiệu quả chi tiêu thì có thể tạo ra dư địa tốt hơn cho chính sách tiền tệ.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề xuất: Về dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng GDP theo cách tăng vốn đầu tư như hiện nay sang đầu tư theo chiều sâu và hiệu quả trên nguyên lý điều chỉnh tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ.
"Mục tiêu kiềm giữ lạm phát cả năm ở mức 8% như đề ra rất khó thực hiện và lạm phát năm 2010 tác động bất lợi cho năm 2011 đang “lộ diện”. Tuy nhiên, thông điệp được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đưa ra đã bắt đầu theo quỹ đạo chấp nhận tăng trưởng thấp hơn để đảm bảo phát triển ổn định trong dài hạn. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ quyết tâm dám cải tổ để đạt được ổn định thực sự," ông Thành bày tỏ lạc quan./.
Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)