RCEP: Bước tiến nhỏ về địa kinh tế hay đại nhảy vọt về địa chiến lược?

Có rất nhiều hàm ý quan trọng của RCEP giúp giải thích lý do vì sao giới học giả quan hệ quốc tế và các nhà hoạch định chính sách cần xem lại sự thờ ơ của họ đối với hiệp định này.
RCEP: Bước tiến nhỏ về địa kinh tế hay đại nhảy vọt về địa chiến lược? ảnh 1Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mới đây, trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) đã đăng bài viết của Tiến sỹ Alan McCormack, làm việc tại trường Đại học Macquarie (Australia) có tựa đề "RCEP: Một bước tiến nhỏ về địa kinh tế hay bước đại nhảy vọt hướng Đông về địa chiến lược?" trong đó phân tích một số ý nghĩa địa chính trị và địa kinh tế của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nội dung như sau:

RECP là một hiệp định lấy châu Á làm trung tâm. Điều đáng chú ý là cách giới học giả và các nhà hoạch định chính sách phương Tây "định vị" hiệp định này. Hiện giờ, hầu như chưa có nhà quan sát nào phân tích về ý nghĩa địa chính trị rộng lớn hơn và các tác động tương lai của RCEP đối với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Có rất nhiều hàm ý quan trọng của RCEP giúp giải thích lý do vì sao giới học giả quan hệ quốc tế và các nhà hoạch định chính sách cần xem lại sự thờ ơ của họ đối với hiệp định này.

RCEP nêu bật những giá trị và tinh thần của chính sách ngoại giao khu vực mang nhiều sắc thái của ASEAN khi đem so sánh với các tập quán trái ngược của phương Tây. RCEP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do ba bên Nhật-Trung-Hàn.

[Theo dòng thời sự: Dấu mốc RCEP khẳng định vị thế của ASEAN]

Đồng thời, RCEP cũng chỉ ra các nhân tố tiềm tàng khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, vốn xuất phát từ việc hình thành một cộng đồng thương mại tự do châu Á mới dựa trên RCEP.

Không một nhà lãnh đạo chính trị nào thừa nhận vai trò của ASEAN trong việc đề xuất và hoàn thiện một trong những thành tựu có lẽ đáng chú ý nhất trong lịch sử 50 năm của khối. RCEP được khởi xướng năm 2012 và được ký kết thành công trong năm 2020 là minh chứng cho “Phương thức ASEAN” mang bản sắc riêng của khu vực.

Quá trình này chứa đựng các nguyên tắc xã hội hóa, ngoại giao thầm lặng, kín đáo, ra quyết định đồng thuận, thương lượng không đối đầu và bình đẳng chủ quyền. Các đặc điểm nổi bật này của RCEP trái ngược với phong cách ra quyết định thường bỏ qua yếu tố văn hóa, đối lập, nguyên tắc đa số, mang tính pháp lý của các quốc gia phương Tây.

Việc thực hiện các nguyên tắc của ASEAN được thể hiện rõ trong các vấn đề lớn, nhỏ của RCEP. Vấn đề nhỏ là những ưu đãi giảm bớt rào cản thương mại đối với các nền kinh tế ASEAN kém phát triển nhất.

Vấn đề lớn là những gì đạt được trong việc hiện thức hóa mối quan hệ thương mại tự do Nhật-Trung-Hàn được mong đợi từ lâu. Trên hết, RCEP giải quyết sự phức tạp của các mối quan hệ thương mại châu Á bằng cách xóa bỏ ngay lập tức thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khối, tăng lên 90% theo thời gian.

RCEP: Bước tiến nhỏ về địa kinh tế hay đại nhảy vọt về địa chiến lược? ảnh 2Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore ngày 17/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đáng chú ý, việc RCEP cho phép hiện thực hóa thỏa thuận thương mại tự do ba bên Nhật-Trung-Hàn, vốn được các nước này mong đợn từ lâu, là một điều rất quan trọng vì Nhật Bản và Trung Quốc có lịch sử quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt," trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng minh tự nhiên của Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế là việc 3 quốc gia lớn ở châu Á này đã liên kết vào thời điểm mà Mỹ đang tìm cách loại trừ và cản trở sự phát triển của Trung Quốc cho thấy phần còn lại của thế giới đã không chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ.

Trên thực tế, các chính sách thương mại đơn phương của Mỹ và tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế châu Á xích lại gần nhau hơn khi các nhà sản xuất tìm cách ổn định các chuỗi cung ứng khu vực.

Thỏa thuận thương mại tự do ba bên Nhật-Trung-Hàn giúp nâng cao các nền kinh tế mang tính chất bổ sung cho nhau của các nước này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, và hai quốc gia này cũng là các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.

Nói rộng hơn, RCEP sẽ tăng cường các mối quan hệ thương mại và kinh tế trong khu vực Đông Á vì thương mại tự do và các điều khoản về quy tắc xuất xứ được đơn giản hóa giúp tăng cường mối liên kết giữa sản xuất, công nghệ, tự nhiên và nguồn nhân lực trong khu vực.

Các hệ quả của thỏa thuận này không phải là không thể tránh khỏi. Như được định hình ban đầu, cả CPTPP và RCEP lẽ ra sẽ giúp mở rộng, không giới hạn về phạm vi tiếp cận của hiệp định thương mại tự do đối với châu Á.

Đáng tiếc, các lợi ích của phương Tây đã bị giảm sút nghiêm trọng và phạm vi địa lý rộng hơn đã bị thu hẹp khi các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ và Ấn Độ rút khỏi các cuộc đàm phán thỏa thuận. Điều đó khiến cả CPTPP và RCEP đều là các hiệp định lấy châu Á làm trung tâm.

Cần xem xét các tác động có thể xảy ra của RCEP đối với mối quan hệ Mỹ-Trung. Phân tích hiện có chỉ ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau ở Đông Á sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong khu vực và khiến nước này được hưởng lợi kinh tế lớn nhất từ RCEP.

Các điều khoản về quy tắc xuất xứ tự do của RCEP sẽ tái định hướng mạnh mẽ quan hệ đối tác chuỗi cung ứng sang khu vực hiệp định thương mại tự do Đông Á. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu của Mỹ sẽ gặp khó khăn tại khu vực này so với các nhà sản xuất châu Á. Mỹ khó có các hành động nhằm đảo ngược lập trường bảo hộ và theo đuổi việc gia nhập RCEP hoặc CPTPP trong môi trường chính trị trong nước hiện nay.

Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và tham vọng “tách rời” khỏi châu Á xuất hiện vào thời điểm Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc mang lại cho nước này tiềm năng xác định các khía cạnh nền tảng của kiến trúc kinh tế và công nghệ tương lai của châu Á.

Hơn nữa, các cơ hội để phương Tây kiểm chế lợi thế của Trung Quốc bằng cách cầu viện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng bị hạn chế bởi các hành động của Mỹ đã vô hiệu hóa khả năng thực thi phúc thẩm của WTO.

Về mặt địa kinh tế, RCEP rõ ràng đã tạo lợi thế cho Trung Quốc và có thể kích động Mỹ tiến hành các hành động quyết đoán hơn về thương mại, công nghệ hoặc an ninh nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.

Mặt khác, sự đánh giá địa kinh tế của Trung Quốc có lẽ tích cực hơn nhiều. RCEP đã củng cố ưu thế thương mại của Trung Quốc ở Đông và Bắc Á. Ngoài ra, những lợi ích từ các mối quan hệ thương mại tự do trong khu vực, trong mọi khả năng, sẽ nâng cao BRI trải rộng của Trung Quốc trên khắp Trung Á và lan sang châu Âu.

Để có được nhiều cơ hội đó, có thể bổ sung thêm các cơ hội thương mại và đầu tư đáng kể từ Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa Châu Phi (AfCFTA) vốn được ký kết gần đây song ít được thừa nhận và ít được biết đến.

Chắc chắn, lợi ích thương mại và đầu tư sâu rộng của Trung Quốc ở châu Phi sẽ được tăng cường khi AfCFTA bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2021 sau nhiều thời gian bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19.

Có thể sự xáo trộn ngẫu nhiên trong chính sách thương mại của phương Tây và việc hoàn tất RCEP lấy châu Á làm trung tâm đánh dấu thời điểm mà quá trình chuyển đổi sức mạnh địa kinh tế dịch chuyển mạnh mẽ sang châu Á.

Một khi được chấp nhận, thực tế đó sẽ đòi hỏi tất cả các quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, phải thúc đẩy điều mà nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger từng gọi là một “mối quan hệ ổn định về mặt chiến lược.”

Đạt được kết quả đó sẽ kiểm tra năng lực của các nhà ngoại giao phương Tây, mặc dù “Phương thức ASEAN” cung cấp một phương pháp đàm phán thành công kiểu châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục