Rối loạn tâm thần thời đại dịch COVID-19: Thách thức cần phải vượt qua

Theo các nhà nghiên cứu, không chỉ trực tiếp cướp đi sinh mạng của hơn 2,8 triệu người, dịch COVID-19 còn gây ra những rối loạn tâm thần kéo dài, kể ca sau khi thế giới đã đẩy lùi được đại dịch.
Rối loạn tâm thần thời đại dịch COVID-19: Thách thức cần phải vượt qua ảnh 1Đại dịch COVID-19 làm gia tăng các rỗi loạn tâm thần của con người. (Ảnh: AFP)

“Lo lắng,” “căng thẳng,” “bất lực,” “cô độc,”“áp lực gia tăng” là những cụm từ ngày càng được nhắc tới nhiều hơn khi đại dịch COVID-19 kéo dài.

Không chỉ trực tiếp cướp đi sinh mạng của hơn 2,8 triệu người, dịch COVID-19 còn gây ra những vết sẹo lớn về tinh thần với nhiều người trong suốt một năm qua.

Nếu như mắc bệnh có thể xét nghiệm và tìm cách chữa trị thì những vết sẹo tinh thần mà COVID-19 gây ra lại âm thầm xuất hiện ở hơn 13 triệu người, có những nạn nhân không thể thoát ra hoặc không thể lấy lại cảm giác bình thường, có cả những người đã tìm đến cái chết.

Đó cũng là lúc thế giới cùng giật mình nhận ra rằng những vấn đề khỏe tâm thần gây ra cũng nguy hiểm như đại dịch COVID-19. Thậm chí, Viện Y tế toàn cầu của Tây Ban Nha (ISGlobal) cảnh báo rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19 gây ra sẽ là đại dịch tiếp theo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sợ hãi, lo lắng và áp lực là những phản ứng bình thường của con người trước những mối đe dọa thực tiễn hoặc được cảnh báo, cũng như trong những thời điểm đối mặt với bất ổn hoặc những điều mà chúng ta chưa biết rõ.

Do đó, việc con người cảm thấy lo lắng khi đại dịch COVID-19 xuất hiện là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài và luôn rình rập đã khiến vấn đề không chỉ dừng lại ở mức bình thường, bởi bên cạnh cảm giác lo sợ mắc bệnh, nguy cơ và nỗi đau mất đi người thân, con người phải đối mặt, thậm chí dần nhận ra họ sẽ phải sống chung với những thay đổi đột ngột trong cuộc sống hằng ngày bất kể khi nào.

Đó là phải hạn chế đi lại-tiếp xúc, phải tìm cách thích nghi với làm việc tại nhà hoặc nghỉ việc, giảm thu nhập, là phải vật lộn với công việc thứ hai - dạy con học tại nhà mà không được trang bị kỹ năng sư phạm, là các mối đe dọa bạo lực gia đình, gánh nặng gia tăng việc nhà và chăm sóc với phụ nữ. Những thay đổi này dần trở thành nỗi ám ảnh với những người vốn đã sinh sống và trưởng thành trong môi trường đối ngược.

Khi dịch mới bùng phát 1 năm trước, đâu đó vẫn có hy vọng rằng giai đoạn phong tỏa có thể sẽ là quãng thời gian hiếm hoi để con người sống chậm lại, suy nghĩ thấu đáo hơn và soi lại bản thân kỹ hơn. Tuy nhiên, một năm sau, đã có những bằng chứng khoa học chỉ ra đại dịch COVID-19 tác động xấu tới sức khỏe tâm thần, dẫn tới làn sóng gia tăng áp lực tinh  thần phủ bóng toàn cầu.

[Gia tăng nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch]

Một nghiên cứu thực hiện tháng 12/2020 của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ cho thấy 42% dân số nước này có biểu hiện lo âu hoặc thấy áp lực, tăng mạnh so với con số 11% ghi nhận trước đó một năm khi đại dịch chưa bùng phát.

Theo Tiến sỹ Erika Saunders, Chủ nhiệm Khoa Sức khỏe tâm thần và hành vi của Trung tâm y tế Milton S. Hershey, bang Pennsylvania (Mỹ), nhìn chung các cấp độ lo âu, căng thẳng đều gia tăng trước những thay đổi về môi trường làm việc, giáo dục, trong khi nhu cầu điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi, các trường hợp rối loạn tâm thần mức độ nặng đều tăng trong năm 2020.

Số người mắc chứng mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng, ngủ không ngon giấc, cảm thấy áp lực hoặc vô vọng, mất tập trung, lo âu và mất thăng bằng, không ngừng lo lắng hoặc rất khó để tìm được cảm giác thư giãn tăng ít nhất 25% trong đại dịch.

Trong khi đó, các vụ sử dụng rượu và cần sa cũng tăng mạnh tại Mỹ trong tháng 3/2020 khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng.

Rối loạn tâm thần thời đại dịch COVID-19: Thách thức cần phải vượt qua ảnh 2Lệnh phong tỏa do COVID-19 làm trầm trọng thêm các vấn đề về tâm thần. (Nguồn: icrc.org)

Tại Anh, báo Medical News Today dẫn một nghiên cứu thực hiện tháng 4/2020 cũng cho thấy số người có cảm giác lo lắng áp lực tăng 25% trong thời gian phong tỏa. Tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm tại Anh tăng gần gấp đôi trong đại dịch COVID-19. Bức tranh toàn cầu cũng có diễn biến tương tự.

Một nghiên cứu với hơn 236.300 bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ cũng cho thấy nhiều người sống sót sau khi mắc bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh về tâm lý. Theo đó, cứ 3 bệnh nhân bình phục thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não hoặc tâm thần học trong vòng 6 tháng. Một nghiên cứu trước đó cũng phát hiện rằng có tới 20% bệnh nhân phục hồi mắc phải rối loạn tâm thần sau 3 tháng.

Đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra nỗi ám ảnh mới mà còn làm trầm trọng vấn đề có sẵn khi làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc cho những người vốn cần được hỗ trợ tâm lý. Theo WHO, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% các quốc gia trên thế giới giữa lúc những nhu cầu về sức khỏe tâm thần gia tăng.

Những người có các vấn đề tâm lý từ trước không thể đến gặp bác sỹ tư vấn trực tiếp, họ cũng là người có nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn nếu mắc bệnh COVID-19.

Nghiên cứu của WHO tại 130 quốc gia ở 6 khu vực chỉ ra hơn 60% các quốc gia ghi nhận gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhóm người dễ tổn thương như trẻ em và trẻ vị thành niên, phụ nữ và người lớn tuổi, 67% ghi nhận tình trạng gián đoạn tư vấn và trị liệu tâm thần và có tới hơn 70% các quốc gia ghi nhận tình trạng gián đoạn dịch vụ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc và trường học.

Do gián đoạn điều trị, nhiều người đã tìm cách tự xoa dịu bản thân nhờ rượu, chất kích thích… khiến tình hình càng trầm trọng hơn.

Đặc biệt, các nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống dịch cũng đối mặt với rủi ro lớn là dễ bị hậu chấn tâm lý, khi ngày ngày phải tiếp xúc gần với các ca bệnh nặng và tử vong, sống trong nỗi lo sợ thường trực bị lây nhiễm.

Bên cạnh đó, các nhân viên y tế còn phải sống cách ly với gia đình, đối mặt với tâm lý lo ngại của xã hội về việc họ có thể mang virus SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu, cứ trong 4 nhân viên y tế, có 1 người phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng trong bối cảnh dịch bệnh, trong 3 người có 1 người mắc chứng mất ngủ.

Các nghiên cứu tại Bỉ cách đấy 1 năm, khi dịch bệnh đang hoành hành khắp châu Âu, cho thấy số nhân viên y tế muốn bỏ nghề cao gấp đôi bình thường, còn số người cảm thấy lo lắng khổ sở cao gấp 4 lần.

Một nghiên cứu khác cho thấy những người làm việc trong ngành y uống nhiều rượu, bia hơn những người làm việc trong các ngành khác.

Cùng thời điểm đó, tại Pháp, mỗi ngày, hiệp hội hỗ trợ các nhân viên y tế nhận được hơn 70 cuộc gọi liên quan đến những sang chấn tâm lý, nhiều cuộc gọi đề cập đến khả năng tự tử.

Kết quả nghiên cứu tại  Italy cũng cho thấy 7/10 số nhân viên y tế tại các khu vực tâm dịch của Italy rơi vào tình trạng kiệt sức, 9/10 trong số họ có những triệu chứng như cáu kỉnh, mất ngủ, gặp ác mộng hay suy sụp tinh thần.

Cũng từ khảo sát của WHO, trước đại dịch, các chính phủ dành rất ít ngân sách cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, trung bình chưa đến 2% trong quỹ dành cho ngành y tế và chưa đến 1% các khoản hỗ trợ y tế quốc tế dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Vì vậy, khi đại dịch bùng phát, những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng buộc các chính phủ chật vật tìm các giải quyết.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc đầu tư hợp lý cho chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ mang lại những phần thưởng xứng đáng. Ước tính trước đại dịch, chỉ riêng tình trạng lo lắng và áp lực đã khiến sản lượng kinh tế Mỹ giảm khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm, trong khi mỗi 1 USD đầu tư cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ mang lại lợi ích tương đương 5 USD.

Các nhà nghiên cứu đều lo ngại tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần có thể sẽ kéo dài, kể ca sau khi thế giới đã đẩy lùi được đại dịch. Nhà tâm lý học lâm sàng Luana Marques, từ Đại học Y Havard ở Boston, cho rằng tình trạng sức khỏe tâm thần của người dân sẽ không thể sớm trở lại mức thông thường ngay sau đại dịch.

Rối loạn tâm thần thời đại dịch COVID-19: Thách thức cần phải vượt qua ảnh 3Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi dạo tại London, Anh ngày 5/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiến sỹ Erika Saunders cảnh báo các vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ gây chấn thương lớn với toàn xã hội và cả thế giới nói chung ở nhiều cấp độ, với những tác động lâu dài mà thế giới sẽ vẫn có thể cảm nhận rất lâu sau khi đại dịch qua đi. Đáng lo ngại hơn, các nghiên cứu sơ bộ chỉ ra nhóm những người trẻ, tương lai của xã hội, lại là nhóm có nguy cơ cao hơn bị suy giảm sức khỏe tâm thần do tác động của đại dịch.

Một nghiên cứu mới với 50.000 người tham gia, đăng trên Tạp chí Journal of Psychiatry (Canada), cho thấy tình trạng lo âu xuất hiện ở 36% số người thuộc nhóm từ 15-34 tuổi, trong khi tỷ lệ này ở nhóm từ 35-54 tuổi và ở nhóm trên 55 tuổi giảm dần, lần lượt là 27,1% và 14,5%.

Các vấn đề về tâm thần, đặc biệt nếu kéo dài, sẽ có tác động nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, chức năng hoạt động hằng ngày và sức khỏe thể chất. Vì vậy, nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, nhóm người trẻ tuổi không được hỗ trợ kịp thời để phát hiện và ngăn chặn tình trạng diễn biến xấu đi thì tác động tới tương lai của mỗi quốc gia được cho là sẽ không hề nhỏ.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một trạng thái sức khỏe tinh thần tốt là nền tảng cơ bản để có một sức khỏe tổng thể ổn định và cuộc sống khỏe mạnh. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới hành động nhanh chóng và quyết liệt để đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần mang tính sống còn cả trong và sau đại dịch. WHO lưu ý cần lồng ghép vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các kế hoạch chuẩn bị ứng phó khi xảy ra tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng.

WHO đã chọn chủ đề “Vì một thế giới công bằng hơn, khỏe mạnh hơn” cho Ngày Y tế thế giới 7/4 năm nay, trước thực tế có tới 85% số người mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần tại các nước nghèo không được chăm sóc hợp lý.

Trong 130 nước được WHO khảo sát, hơn 70% đã áp dụng biện pháp khắc phục sự cố gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tiếp do đại dịch, nhưng có sự chênh lệch đáng kể giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp. Trong khi 80% các quốc gia thu nhập cao làm được điều này thì tỷ lệ ở nhóm các nước thu nhập thấp chưa đến 50%.

Đại dịch càng kéo dài, bất bình đẳng về y tế càng lộ rõ, bởi vậy, khắc phục tình trạng này chính là một trong những yếu tố giúp thế giới vượt qua những rối loạn tâm thần do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục