Romania: Phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng"

Cảnh sát Romania biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ bằng cách vẫn đến nhiệm sở, song "hạn chế" hoạt động.
Cuộc biểu tình quy mô lớn của lực lượng cảnh sát Romania, diễn ra ngày 20/9, để phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ Romania, đã mở đầu cho một loạt hành động phản kháng do các tổ chức công đoàn nước này phát động.

Hãng tin Nga ITAR-TASS cho biết, trong thời gian một tuần, cuộc biểu tình, bãi công của cảnh sát dự kiến sẽ lan rộng sang các giới khác trong xã hội như bác sĩ, giáo viên và công nhân viên chức nhiều ngành khác, vốn bất mãn với quyết định cắt giảm 25% lương mà chính phủ nước này vừa thông qua.

Chủ tịch công đoàn ngành cảnh sát Romania Marian Gruya cho biết các nhân viên cảnh sát tuy vẫn đến nhiệm sở, song rất "hạn chế" hoạt động. Cụ thể trong thời gian bãi công, cảnh sát không điều tra các vụ án hình sự, không điều hành giao thông hoặc xử phạt những người vi phạm.

Liên quan cuộc bãi công này, ngày 20/9, Thị trưởng Bucharest Sorin Opresku đã kêu gọi người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không dùng các phương tiện giao thông cá nhân.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên đoàn các công đoàn tự do Romania Marius Petku cho biết theo kế hoạch, sẽ có khoảng 20.000 người tham gia các hành động phản kháng.

Kế hoạch hành động cũng đã được công bố trên một kênh truyền hình của Romania, theo đó trong hai ngày đầu tuần, những người biểu tình sẽ phong tỏa các tòa nhà chính phủ và cơ quan hành chính địa phương. Tiếp đó, họ sẽ tuần hành và míttinh bên ngoài trụ sở chính phủ và ngày 5/10 sẽ tiến đến Dinh Tổng thống.

Hồi tháng Năm vừa qua, hàng nghìn công nhân viên chức Romania (kể cả người về hưu) cũng đã tiến hành các cuộc biểu tình tại Bucharest và các thành phố khác phản đối chính sách nói trên của Chính phủ.

Nội các của Thủ tướng Emil Bok bắt đầu thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm cứu vãn nền kinh tế Romania, theo một chương trình chống khủng hoảng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị, với hy vọng được vay khoảng 20 tỷ euro từ IMF, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng thế giới (WB).

Số tiền mà các tổ chức nói trên hứa cho Romania vay là để thanh toán các khoản nợ lương, song đổi lại Romania phải cam kết cắt giảm các khoản chi tiêu công. Chính động thái tăng thuế, giảm tiền lương, tiền hưu trí cũng như cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm mà Chính phủ Romania áp dụng đã làm dấy lên làn sóng phản đối rộng khắp trên cả nước.

Trong một diễn biến liên quan, các cuộc biểu tình ngày 20/9 của lái xe tải trên một số tuyến quốc lộ tại Hy Lạp nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ tự do hóa khu vực này đã gây rối loạn nghiêm trọng các hoạt động giao thông, vận tải và buôn bán.

Theo thông báo của Liên đoàn công nghiệp Hy Lạp, lái xe tải đã dùng xe hạng nặng phong tỏa một số lối vào thủ đô Athens. Hoạt động này gây thiệt hại chưa thể ước tính được cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các khu vực, trong khi đó, một nhà hoạt động công đoàn tuyên bố cuộc biểu tình sẽ kéo dài cho đến khi có câu trả lời rõ ràng cho các thắc mắc của họ.

Các lái xe tải cho rằng việc tự do hóa khu vực vận tải bằng cách giảm phí cấp giấy phép mới là không công bằng. Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp khẳng định kế hoạch vốn đã bị trì hoãn nhiều năm này, trên thực tế có thể góp phần giảm giá nhiều loại hàng hóa ở Hy Lạp, vốn cao hơn tại nhiều nước khác của châu Âu, do phí vận chuyển cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục