Rộn ràng trước ngày hội

Phố núi Pleiku - rộn ràng trước ngày khai hội

Những ngày này, không khí ở phố núi Pleiku như "nóng" dần lên bởi ngày khai hội Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ I sắp diễn ra.
Những ngày này, không khí ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai như "nóng" dần lên bởi ngày khai hội Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ I sắp diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 15/11/2009.

Trên các đường phố chính Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Hai Bà Trưng... đâu đâu cũng rực cờ Đảng, cờ Tổ quốc và băng-rôn như báo hiệu những ngày vui đang đến với mọi người, mọi nhà.

Về đêm, không khí phố núi lại càng rộn ràng hơn bởi ánh sáng điện được tăng cường, người dân đi lại kín đường trong thời tiết se lạnh và nhất là đổ xô về Quảng trường 17/3 để xem diễn tập cho ngày hội.

Tại các điểm sẽ diễn ra các hoạt động của lễ hội lại càng rộn ràng và tất bật hơn cho công tác chuẩn bị, từ việc chỉnh trang lại khuôn viên cho đến khâu thi công các hạng mục công trình cần thiết đảm bảo đủ điều kiện cho ngày hội được diễn ra một cách tưng bừng và hoành tráng.

Rộn ràng nhất vẫn là Khuôn viên Lý Tự Trọng và Quảng trường 17/3 - nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Festival đã được huy động tối đa lực lượng làm cả ngày đêm mới hoàn thiện, sân khấu được dàn dựng quy mô và hiện đại, mặt bằng phục vụ cho các hoạt động rộng rãi và sạch đẹp.

Tại các điểm khác như Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Công viên Về Nguồn đến nay cũng đã hoàn tất mọi phần việc, không những đảm bảo cho các hoạt động của lễ hội mà còn đáp ứng nhu cầu cho du khách đến tham quan và lưu trú.

Ông Trần Minh Thành, Phó Giám đốc Công ty Công trình Đô thị thành phố Pleiku tâm sự, đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ chính thực hiện các phần việc chuẩn bị về cơ sở hạ tầng phục vụ cho lễ hội, song do thời tiết không được thuận lợi vì ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua nên chúng tôi lo lắm.

Phương án của đơn vị đặt ra là, ngưng mưa giờ nào là triển khai công việc giờ ấy và không được chậm trể. Có những ngày đơn vị huy động đến cả trăm lao động thủ công và hàng chục xe, máy tập trung hoạt động trên các công trường.

Không khí của Festival Cồng chiêng còn biểu hiện ở sự rộn ràng từ lòng dân, gần cả tháng nay nhiều người đã "bàn tán" về lễ hội này và càng đến ngày cận kề thì sự "bàn tán" xôn xao này rộ hơn lên khi nắm bắt được đầy đủ các thông tin về các sự kiện diễn ra của lễ hội.

Từng nhóm người bàn tính với nhau rằng, làm sao phải dành thời gian để đi xem hết các hoạt động diễn ra tại các điểm du lịch mới thỏa thích, bởi đây là dịp để tận "mắt thấy tai nghe".

Cũng đúng thôi, mặc dù người dân sinh sống ở phố núi Pleiku này đã lâu năm nhưng đâu phải ai cũng tận mắt nhìn thấy được những hoạt động độc đáo nhất Tây nguyên này, như trình diễn tạc tượng, tái hiện lại các lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu mừng chiến thắng của các tộc người thiểu số.

Còn số người kinh doanh buôn bán thì cùng nhau nghĩ đến chuyện chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho du khách, nhất là hàng lưu niệm.

Những cơ sở chính kinh doanh hàng lưu niệm này đã chủ động đầu tư nâng cấp và tăng cường nguồn hàng có giá trị, chủ yếu là các sản phẩm của người dân tộc thiểu số như cung nỏ, nhà rông Tây nguyên, các loại nhạc cụ dân tộc làm bằng tre nứa, các vật dụng dành cho phụ nữ, trẻ em...

Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 diễn ra tại Gia Lai là một sự kiện hết sức quan trọng, không những tôn vinh các giá trị không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên mà còn là dịp quảng bá hình ảnh Gia Lai với bè bạn trong cả nước và quốc tế.

Tham dự lễ hội này có tới 34 đoàn của 22 dân tộc trong nước có cồng chiêng và 7 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia và Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục