Họa sỹ Lê Dũng Cường nguyên là Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020. Ông vốn là cựu sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và có phần lớn thời gian vừa vẽ, vừa công tác trong ngành ngoại giao. Trở về Việt Nam với triển lãm cá nhân, ông đem tới nhiều tác phẩm thấm đậm cảm xúc với đất nước Lào. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Với họa sỹ, văn hóa bản địa luôn đầy màu sắc và ấn tượng. Các chất liệu của ông sử dụng gồm giấy dó Việt Nam, giấy dó Lào, màu truyền thống Lào và màu acrylic, sơn dầu trên bao tải, giấy bìa... Trong hình là bức ''Vũ điệu rối Lào'' mà họa sỹ chọn khắc họa, mô tả bằng màu acrylic trên các chất liệu sần sùi, tạo hiệu ứng nổi bật. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bức ''Lễ hội ăn chay'' khắc họa Lễ hội mãn chay của người Lào, kéo dài từ rằm tháng Tám đến rằm tháng 11 theo Phật lịch. Trong suốt ba tháng, người dân kiêng rượu, thuốc lá, những hoạt động được coi là phàm tục... (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Hình tượng những nhà sư thường xuyên xuất hiện trong tranh của Lê Dũng Cường. Ông cho biết Phật giáo Thượng toạ bộ (Phật giáo Tiểu thừa) có ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong văn hoá Lào, có thể thấy không chỉ trong chùa mà còn trong mỹ thuật, văn học, nghệ thuật trình diễn. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bên cạnh Phật giáo, các hoạt động văn hóa, lễ hội cũng thường xuyên là chủ đề trong tranh của họa sỹ. Bức ''Lễ ngày rằm,'' họa sỹ được trải nghiệm những dịp ăn mừng ngày rằm kéo dài cả tuần thay vì chỉ một ngày như tại Việt Nam. Tác phẩm được vẽ ngày 15/7/2020, kỷ niệm dịp tròn 3 năm họa sỹ làm việc tại Lào. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bức ''Ngày'' là một trong những tác phẩm phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng đậm đà của người Lào, thể hiện qua màu sắc rực rỡ, tỷ mỷ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bức ''Đêm'' đối xứng với bức ''Ngày,'' cũng được thể hiện bằng màu acrylic trên bao tải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đối tượng thường thấy trong tranh của họa sỹ Lê Dũng Cường là những cô gái Việt Nam và Lào với vẻ đẹp trong trẻo, hình tượng người mẹ Việt Nam, người mẹ Lào đều rất được yêu thương và tôn vinh. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhà nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét tranh Lê Dũng Cường vẽ những cô gái, bạn bè hay con gái đều được vẽ bằng tình cảm nồng thắm, đơn giản nhưng đầy trìu mến - giống như dùng tranh làm quà cho nhân vật hơn là thể hiện cái tôi qua hội họa. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Ở các tác phẩm của họa sỹ Lê Dũng Cường, con người hiện lên qua những nét vẽ tả thực hoặc trừu tượng. Trong hình là bức tự họa mà tác giả vẽ năm 2018. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Năm 2015 khi đang làm việc tại Ban Lịch sử Truyền thống Ngoại giao (nay là Vụ Thi đua Khen thương và Truyền thống Ngoại giao), họa sỹ Lê Dũng Cường có cơ hội vẽ chân dung nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. (30/4/2015).
Năm 2017, đánh dấu kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt và 40 năm ký kết hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Trong năm đó, lãnh đạo Đại sứ quán đã giao cho ông nhiệm vụ vẽ bức chân dung đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachithh.
(Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những cô gái Lào đeo khăn rằn dài như một món đồ tôn thêm vẻ đẹp cho trang phục thường ngày. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Triển lãm diễn ra tại nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể từ 19/4 đến 27/4. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
(Vietnam+)