Sách Beige của Fed phác họa bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Mỹ

Ấn phẩm Sách Beige của Fed được chờ đợi trong bối cảnh các thị trường tại Mỹ cũng như toàn cầu đang “nín thở” chờ đợi các điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công bố hai tuần trước các kỳ họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), do đó Sách Beige được giới chuyên gia và thị trường coi là một trong những chỉ dấu chính sách hàng đầu của Fed.

Fed xuất bản Sách Beige (có tên chính tức là “Tóm tắt các bình luận về tình trạng kinh tế hiện tại”) lần đầu tiên vào năm 1970, trong đó tập hợp toàn bộ số liệu kinh tế, đi kèm phân tích, nhận định của giới chuyên gia từ tất cả 12 chi nhánh khu vực trực thuộc Fed.

Vì lý do này, các nhà phân tích và giới đầu tư đón nhận Beige như bộ cẩm nang cho các hoạt động của mình.

Ấn phẩm Sách Beige tháng 3/2024 được chờ đợi trong bối cảnh các thị trường tại Mỹ cũng như toàn cầu đang “nín thở” chờ đợi các điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed sau một thời gian dài ngân hàng trung ương này án binh bất động.

Về tổng thể, kinh tế Mỹ trong hai tháng đầu năm 2024 đã đón nhận một số tín hiệu lạc quan, tăng trưởng nhẹ và cân bằng, lạm phát dù chưa quay về ngưỡng mục tiêu 2% của Fed song áp lực đã giảm từ mức đỉnh, chi tiêu tiêu dùng, nhất là hàng hóa bán lẻ, đã có chuyển biến.

Ấn phẩm đã phác họa một bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Mỹ, với nhiều gam màu tương phản, những tín hiệu trái chiều từ các khu vực kinh tế.

Trong số 12 chi nhánh của Fed, có tới 8 khu vực báo cáo kinh tế tăng trưởng nhẹ, 3 khu vực ổn định và chỉ duy nhất khu vực Philadelphia ghi nhận tình hình kinh tế sụt giảm đôi chút.

Về tổng thể, kinh tế Mỹ trong hai tháng đầu năm 2024 đã đón nhận một số tín hiệu lạc quan, tăng trưởng nhẹ và cân bằng, lạm phát dù chưa quay về ngưỡng mục tiêu 2% của Fed song áp lực đã giảm từ mức đỉnh, chi tiêu tiêu dùng, nhất là hàng hóa bán lẻ, đã có chuyển biến.

Tuy nhiên, chi tiêu hộ gia đình lại có xu hướng chững lại và người tiêu dùng đang chuyển dòng tiền sang lĩnh vực khác; nhu cầu về khách sạn, nhà hàng và du lịch cũng chưa thấy dấu hiệu khởi sắc do giá dịch vụ cao và thời tiết không thuận lợi. Hoạt động sản xuất chưa có chuyển biến rõ rệt.

Ấn phẩm Beige số này đề cập tới tình trạng vận tải bị gián đoạn hoặc đứt gãy do căng thẳng trên Biển Đỏ và kênh đào Panama.

Tuy nhiên, Sách Beige cho rằng tình hình hiện nay chưa gây tác động đáng kể đến các doanh nghiệp Mỹ, dù có xuất hiện một vài báo cáo về áp lực tăng chi phí vận tải quốc tế.

Bên cạnh đó, cuốn sách đánh giá thị trường bất động sản triển vọng không mấy sáng sủa, nhu cầu nhà ở tăng nhưng bất động sản thương mại gặp khó.

Trong hai tháng đầu năm, nhu cầu mạnh mẽ đối với các trung tâm dữ liệu mới, bất động sản công nghiệp-sản xuất và các dự án hạ tầng lớn vẫn chưa đủ sức tạo một "cú hích" tăng trưởng cho thị trường bất động sản nói chung tại Mỹ, nhất là bất động sản văn phòng.

Trong khi đó, thị trường tín dụng khá ổn định khi chất lượng tín dụng của nền kinh tế số một thế giới về cơ bản ở ngưỡng lành mạnh, dù ghi nhận một vài báo cáo nợ quá hạn gia tăng. Triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo tích cực trong vòng 6 tháng tới khi các điều kiện tài chính cải thiện.

Về thị trường lao động, Sách Beige tháng 3/2024 của Fed cho biết nhu cầu việc làm tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực, khả năng cung cấp lao động và giữ chân nhân viên đã được cải thiện.

Các doanh nghiệp cho dù vẫn đối mặt với đôi chút khó khăn trong việc thu hút lao động lành nghề, như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, kỹ sư, thợ hàn và thợ cơ khí, song việc tìm kiếm các lao động đủ điều kiện đã dễ dàng hơn so với năm ngoái. Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực nữa đó là thị trường tiền lương tăng ổn định.

Chuyên gia Nela Richardson, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng thị trường lao động Mỹ đang tăng trưởng và năng động hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để dự báo điều này sẽ tác động với các quyết định lãi suất của Fed trong năm nay.

Lạm phát, chỉ dấu chính sách hàng đầu của Fed, có giảm nhưng vẫn gây áp lực nhất định đối với thị trường và giá cả tiêu dùng. Một số chi nhánh khu vực của Fed đã ghi nhận “sự hạn chế nhất định trong nỗ lực giảm lạm phát” do chi phí vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm tăng.

Tuy nhiên, thông tin đáng khích lệ là chi phí đầu vào của khu vực sản xuất và xây dựng như thép, ximăng, giấy và nhiên liệu, đang hạ nhiệt trong những tuần gần đây.

Chuyên gia Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets, đánh giá rằng báo cáo khu vực của Fed cho thấy nền kinh tế Mỹ “đã hụt một bước nhưng vẫn tiếp tục tiến về phía trước, trong bối cảnh áp lực lạm phát tiếp tục giảm dần."

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Sách Beige không phải là tín hiệu cho thấy Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất trong ngắn hạn. Trước đó, công cụ FedWatch của CME Group cũng nhận định 95% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng Ba của FOMC.

Ấn phẩm Sách Beige đã phác họa bức tranh khá toàn diện về kinh tế Mỹ hiện nay. Dù còn không ít khó khăn, nhưng nhìn chung các số liệu cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Dù vậy, Fed luôn hoạch định chính sách tiền tệ vì lợi ích chung của cả nền kinh tế Mỹ, chứ không phải chỉ dựa trên số liệu của 12 chi nhánh khu vực như phản ánh trong các ấn phẩm định kỳ của Sách Beige.

Đúng như ông Morgane Delledonne, cựu chuyên gia hàng đầu về Fed tại French Treasury, đánh giá số liệu kinh tế có khởi sắc nhưng lạm phát vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục