Sacombank đặt mục tiêu lãi tới 9.500 tỷ đồng, không đề cập chia cổ tức

Năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 657.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022 song vẫn không đề cập tới vấn đề chia cổ tức.
Sacombank đặt mục tiêu lãi tới 9.500 tỷ đồng, không đề cập chia cổ tức ảnh 1Giao dịch tại Sacombank. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi các ngân hàng khác thì chỉ “dè dặt” đặt mức lợi nhuận cho năm 2023 thì tại tài liệu xin ý kiến Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank-mã STB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2022. Đây được cho là mức cao nhất của ngân hàng này từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, Sacombank cũng đăt mục tiêu tổng tài sản năm 2023 đạt 657.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát ở mức dưới 2%. Tăng trưởng tín dụng đạt 12%, tương đương dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị Sacombank cho biết sẽ điều chỉnh lại các mục tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước. 

[Sacombank dành 1.000 tỷ đồng tiếp sức doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi]

Một nội dung đáng chú ý khác trong tài liệu dự kiến trình tới cổ đông là phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023. Tuy nhiên trong tài liệu lại không đề cập đến việc chia cổ tức, vấn đề luôn nóng trong mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông của Sacombank nhiều năm qua.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp Sacombank không chia cổ tức cho cổ đông. Lần chia cổ tức gần nhất diễn ra vào năm 2015 khi Sacombank trả cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu.

Được biết, Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông hiện đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện.

Tại tài liệu đại hội, Sacombank nhắc lại về vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối (room ngoại) với cổ phiếu STB.

Theo đó, ngân hàng cho biết kể từ ngày 14/3/2014 đến nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB được ĐHCĐ Sacombank thống nhất là 30%. Tuy nhiên, khi phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã điều chỉnh đưa room ngoại đối với cổ phiếu STB về mức 23,63468%.

Đến ngày 31/5/2021, VSD lại điều chỉnh đưa room ngoại của STB về lại mức 30%. Vào ngày 10/3/2023 vừa qua, VSD đã gửi cho Sacombank Công văn số 1917/VSD-ĐK.NV, ghi nhận sự thiếu sót đối với việc điều chỉnh nêu trên.

Sacombank cho biết, với chủ trương muốn cơ cấu cổ đông của ngân hàng luôn đa dạng để tạo động lực cho sự phiển, ngân hàng ghi nhận room ngoại đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục