Sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng

Ngành công nghiệp đóng góp 1,61 điểm % vào mức tăng trưởng chung là 7,61% của nền kinh tế, điều này, phản ánh hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp tại TP. HCM ngày càng cao.
Các doanh nghiệp nội đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng IIP 6 tháng đầu năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Các doanh nghiệp nội đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng IIP 6 tháng đầu năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2019 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7%, xấp xỉ mức tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 7,1%).

Sản xuất công nghiệp thành phố có nhiều tín hiệu tích cực, mức tăng lũy kế cao đã tạo nền tảng để doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2019.

Tăng trưởng đến từ doanh nghiệp nội

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong sản xuất công nghiệp thì ngành công nghiệp chế biến 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,0%.

Mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất như sản xuất kim loại tăng 59,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (tăng 41,7%)...

Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định góp phần tăng nguồn thu ngân sách, với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh 19,8% so cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố khá tốt, với mức tăng 7,8%, cao hơn so cùng kỳ (tăng 7,14%).

Ngành công nghiệp đóng góp 1,61 điểm % vào mức tăng trưởng chung là 7,61% của nền kinh tế. Điều này, phản ánh hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng cao. Đồng thời, ngành này gia tăng sự đóng góp vào mức tăng GRDP của thành phố.

Tuy nhiên, ngoài những tín hiệu tích cực, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới dự báo sẽ đối diện một số thách thức.

Đơn cử, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 5,5%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (tăng 9,5%).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tình hình này phù hợp với xu thế chung của cả nước do thị trường xuất khẩu khó khăn và chi phí đầu vào tăng làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhất là khi 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã đóng góp đến 3,19 điểm % trong mức tăng 7% của sản xuất công nghiệp toàn thành phố.

Ghi nhận ở từng ngành như ngành sản xuất hàng điện tử tăng 28,3%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (tăng 10,15%).

[Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% trong 6 tháng đầu năm]

Các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân thúc đẩy ngành này tăng được cho là do chủ yếu ở nhóm ngành “sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng” tăng 30,82% và nhóm ngành “sản xuất linh kiện điện tử” tăng 36,79%.

Bên cạnh đó, một số công ty sản xuất khá như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung HCMC CE Complexx, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Products VN… Còn chỉ số tiêu thụ sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản lượng ti vi sản xuất; kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ở ngành cơ khí cũng ghi nhận tăng 3% và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có sự gia nhập của các nhà sản xuất xe có động cơ khác là Daehan Motor, Vĩnh Phát Motor... chuyên sản xuất các dòng xe bán tải.

Riêng ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 1,0%; ngành hóa chất-cao su-nhựa tăng 0,8%.

Trong lĩnh vực cao su nhựa, Hội cao su Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường cao su nội địa đang ổn định, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, nhưng thị trường xuất khẩu có khó khăn.

Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 257,7 triệu USD, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước.

Phát triển sản phẩm chủ lực

Liên quan đến tình hình phát triển sản phẩm chủ lực, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn mẫu các doanh nghiệp có quy mô lớn về lao động, có giá trị sản phẩm sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng từ 75% doanh thu hoặc có tiềm năng sản xuất sản phẩm thuộc nhóm ngành chủ lực, nhằm đánh giá khả năng sản xuất và phục vụ việc quản lý, hoạch định chính sách đối với sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Tính đến nay, các sở, ngành cơ bản đã kết thúc điều tra tại doanh nghiệp và đang tiến hành nhập, cũng như xử lý tổng hợp thông tin, đánh giá thực trạng.

Đại diện Ban quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Hepza đã cấp phép 42 dự án đầu tư thuộc Danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định 4544/QĐ-UBND của UBND thành phố.

Thống kê tại khu chế xuất-khu công nghiệp trên địa bàn thành phố còn khoảng 428ha; trong đó có thể kể đến khu chế xuất-khu công nghiệp Tân Thuận là 10ha, Hiệp Phước (254ha), Tân Phú Trung (84ha), Cơ khí ôtô (10ha), Lê Minh Xuân 3 (70ha) và 5.000m2 nhà xưởng xây sẵn tại khu công nghiệp Đông Nam.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố, Sở Công Thương đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan gặp gỡ và làm việc với 17 doanh nghiệp, đồng thời, đang thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Bà Bùi Hoàng Yến, Phó đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới, dòng chảy vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng như khu vực chế biến, chế tạo…

Trên thực tế, tình hình đơn hàng cho năm 2019 của một số ngành hàng công nghiệp chính có tín hiệu khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm 2019. Sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam là cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có những bứt phá.

Đặc biệt, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và triển vọng từ các FTA đã có hiệu lực và đang đàm phán là cơ sở quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục