Theo trang mạng forbes.com, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đánh sập các nền kinh tế thế giới, khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải và cướp đi mạng sống của nhiều người.
Các chính trị gia đã hứa hẹn với công dân của họ về một “sự trở lại bình thường” sau đại dịch. Tuy nhiên, có thể hiểu được, mong muốn về “sự bình thường” này sẽ đưa chúng ta đến một ảo ảnh.
Tồi tệ hơn, sự phục hồi của chúng ta sau COVID-19 có thể là một chiến thắng ngắn ngủi nếu chúng ta chỉ khao khát trở lại một nền kinh tế “bình thường.”
Sự bình thường này đã tạo ra một quả bom hẹn giờ về biến đổi khí hậu có thể làm cho hậu quả kinh tế do virus SARS-CoV-2 gây ra có vẻ nhẹ hơn khi so sánh.
Sự bình thường này cũng đã gây ra sự phá hủy hàng loạt hệ sinh thái, sự thất vọng của con người đối với protein động vật và gia tăng sự tiếp xúc giữa con người với động vật hoang dã.
Kết hợp lại, những yếu tố này đã giúp Ebola, Hanta, cúm gia cầm, SARS, MERS và giờ là COVID-19 tìm ra một "vật chủ mới," phong phú hơn ở loài người.
Các gói chi tiêu để kích thích nền kinh tế trên toàn thế giới đã làm lu mờ các biện pháp phục hồi của năm 2009 và các chương trình “New Deal” của thập kỷ 30 của thế kỷ trước.
Và chi tiêu nhiều hơn là không thể tránh khỏi. Tiền đóng thuế của bạn sẽ bị lãng phí khi trở lại bình thường? Hoặc nó có thể được sử dụng để tạo ra một thập kỷ 20 mới (của thế kỷ này) và một nền kinh tế phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ tới hay không?
Thời kỳ suy tàn của dầu mỏ
Bình thường không còn được mong muốn hoặc an toàn trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Cuối tháng 2/2020, khi thị trường chứng khoán sụt giảm và nhu cầu dầu mỏ của châu Á bốc hơi, Nga và OPEC vẫn đang điều phối các mức sản lượng theo một thỏa thuận được gọi là OPEC +.
Nó được tạo ra nhằm mục đích chống lại sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ, đã đưa nước Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Đầu tháng Ba, trong một cuộc họp tại trụ sở của OPEC ở Vienna, Saudi Arabia đã đề xuất OPEC + cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng, trong đó Nga giảm một nửa. Nga đã từ chối, dẫn đến việc Saudi Arabia trả đũa bằng cách bắt đầu một cuộc chiến giá dầu.
Một tháng sau, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (hay còn gọi là MBS) và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như vẫn không muốn lùi bước.
Do sự tranh cãi giữa hai bên và suy thoái do đại dịch, giá dầu thô WTI đang giao dịch quanh mức 25 USD/thùng, giảm ít nhất 15 USD so với giá hòa vốn cho giếng dầu điển hình ở Bắc Mỹ.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở các mỏ dầu của Canada, như tờ The Financial Post đã nêu, dầu nặng của Canada hiện “rẻ hơn một lít bia.”
Hầu hết các nhà sản xuất ở Mỹ và Canada sẽ không thể sống sót, đó là một phần lý do tại sao Tổng thống Putin không vội đàm phán với MBS.
Saudi Arabia và Nga dường như đang bắt đầu trò chơi “Oil End Game.”
Ngay cả trước khi bùng phát đại dịch, Michael Liebreich, chuyên gia tư vấn năng lượng và người sáng lập Bloomberg New Energy Finance, đã dự đoán rằng nhu cầu xăng dầu sẽ đạt đỉnh và giảm trước năm 2030.
Sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch chắc chắn sẽ giết chết nhu cầu xăng dầu, huyết mạch của hai quốc gia này.
Saudi Arabia và Nga phải là một trong những quốc gia cuối cùng bơm dầu từ lòng đất.
Những người đang điều khiển cuộc chơi
Tuy nhiên, Saudi Arabia và Nga không thể duy trì giá dầu 25 USD trong thời gian dài mà không có hậu quả.
Vương quốc Arab cần dầu mỏ ở mức giá khoảng 83 USD để cân bằng ngân sách, trong khi giá hòa vốn của Nga là khoảng 42 USD.
Chiến lược dài hạn của MBS - Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia - dự định đa dạng hóa nền kinh tế dầu mỏ được hỗ trợ bởi dầu mỏ.
Saudi Arabia cần một nền kinh tế mới giữ nguyên như hiện nay trước khi tiến hành chuyển đổi năng lượng. Nếu không có nguồn doanh thu lớn từ dầu mỏ, Saudi Arabia không thể triển khai thành công Tầm nhìn 2030, và cũng không thể tiếp tục trợ cấp một cách hào phóng cho công dân của họ.
[Mega Story] Khó lường cuộc đấu trên thị trường dầu mỏ
Hai phần ba dân số Saudi Arabia làm việc cho chính phủ. Một nửa dân số dưới 25 tuổi và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dao động trong khoảng từ 25% đến 30%.
Một cuộc chiến giá dầu kéo dài có thể châm ngòi cho tình trạng bất ổn xã hội và phản ứng dữ dội chống lại Hoàng gia, vốn nổi tiếng chi tiêu xa xỉ.
Putin cũng không ở vị thế để duy trì cuộc chiến giá dầu. Nếu ông muốn trở thành Tổng thống trong nhiều nhiệm kỳ nữa, như ông đã cho thấy rõ, thì ông cần phải đảo ngược tình trạng mức sống đang suy giảm ở Nga.
Điều đó sẽ đòi hỏi sự gia tăng lớn trong chi tiêu công mà Nga không thể chi trả nếu giá dầu quá thấp trong một thời gian dài.
Trong khi đó, mong muốn tạo ra một số tin tức kinh tế tích cực, Tổng thống Trump hôm 2/4 đã tweet rằng ông đã môi giới một thỏa thuận giữa Putin và MBS, điều này đã đẩy giá dầu tăng vọt trở lại.
Các CEO dầu mỏ Bắc Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm.
Đừng ngạc nhiên khi thấy một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sớm, nhưng đừng để bị lừa. Nhu cầu xăng dầu dự kiến sẽ giảm 20% trong tháng Tư. Do đó, bất kỳ loại thỏa thuận nào cũng có thể là một trò chơi của MBS và Putin để làm hài lòng người bạn Trump của họ, trong khi biết rằng các cơ sở dự trữ đang đạt công suất tối đa.
Chừng nào nhu cầu không tăng bất ngờ, dầu của họ không còn nơi nào để xuất. Thời điểm thay đổi họ sẽ bắt đầu bơm trở lại, và sẽ có thêm nhiều công ty sản xuất dầu ở Mỹ và Canada phải đối mặt với sự sáp nhập không hấp dẫn về tài chính hoặc thậm chí phá sản.
Không có sự trở lại bình thường đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến và dầu mỏ.
Kể từ lúc này, số phận của ngành công nghiệp dầu mỏ gắn liền với ý thích bất chợt của hai người đang cho mình là trung tâm.
Nhu cầu sẽ tiếp tục giảm khi năng lượng tái tạo chi phí thấp tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Không có thời gian để ăn mừng
Tính đến năm 2018, ngành dầu mỏ, khí đốt và than của Canada đã trực tiếp tuyển dụng hơn 269.000 lao động và gián tiếp hỗ trợ 550.000 việc làm.
Ở Mỹ, ba lĩnh vực đó sử dụng ít nhất 1,6 triệu nhân công. Việc chuyển đổi năng lượng sẽ tạo ra những công việc mới, được trả lương cao hơn.
Nhưng tại thời điểm này, nền kinh tế xanh không thể tạo ra việc làm mới nhanh hơn ngành công nghiệp dầu mỏ đang rũ bỏ những công việc cũ.
Do đó, Canada và Mỹ đang ở trong tình trạng bế tắc. Có một sự cám dỗ để bảo lãnh dầu mỏ, nếu chỉ để giữ người lao động và đảm bảo rằng các công ty mắc nợ quá lớn này không kéo ngân hàng chết chìm.
Hỗ trợ tài chính cho công nhân dầu mỏ là điều bắt buộc, nhưng hỗ trợ cho ngành dầu mỏ là một sự lãng phí tiền bạc, cho dù Saudi Arabia và Nga có duy trì đường lối của họ hay không.
Đầu tư vào đá phiến và dầu cát của Canada chắc chắn sẽ trở thành tài sản bị đóng băng, ngay cả khi chúng ta trở lại “bình thường.”
Một tương lai tốt hơn bình thường
Thật vô nghĩa khi hồi sinh một ngành công nghiệp dầu mỏ đang hấp hối chỉ để giết nó một vài năm sau đó.
Thật vô nghĩa khi tái tạo các công việc sẽ không tồn tại trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nhiên liệu hóa thạch đang suy giảm mặc dù đã được hưởng hàng tỷ tiền trợ cấp của chính phủ. Saudi Arabia và Nga sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh của họ để loại các nhà sản xuất Bắc Mỹ ra khỏi cuộc chơi bất cứ khi nào nó phù hợp với họ.
Không có kịch bản nào mà nhiên liệu hóa thạch tạo ra sự phục hồi hoàn toàn và bền vững từ cuộc khủng hoảng này.
Trước mắt, các chính trị gia Bắc Mỹ phải ưu tiên thực phẩm, nhà ở và an sinh cho những công dân thất nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài, nếu các chính trị gia bơm hàng nghìn tỷ USD tiền thuế để hồi sinh nền kinh tế Bắc Mỹ, thì đây là một điểm cần suy nghĩ: phân bổ tiền của người nộp thuế cho các công ty đang tạo ra tương lai, mà không thực hiện CPR trong quá khứ.
Giờ là lúc để đầu tư vào năng lượng hạt nhân - “chén thánh” năng lượng.
Đã đến lúc mở rộng dự trữ năng lượng toàn cầu và cơ sở hạ tầng xe điện. Đã đến lúc để đầu tư vào thu hồi, dự trữ và sử dụng carbon (CCSU).
Đã đến lúc để xây dựng các đường dây điện cao thế có thể mang năng lượng sạch từ các khu vực dồi dào đến các khu vực khan hiếm.
Đã đến lúc để tái sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho các vật liệu mới và các giải pháp lương thực mới tiên tiến. Và giờ là thời điểm để tăng cường hydro xanh.
Hãy đừng lạm dụng tiền thuế của người dân để xây dựng lại một nền kinh tế sống sót qua đại dịch COVID-19 và sau đó chịu khuất phục trước sự biến đổi khí hậu.
Thay vào đó, hãy tạo ra một nền kinh tế trong tương lai với những công việc tốt, một Trái Đất có thể ở được và hủy bỏ những ý tưởng bất chợt của những người thất thường nắm cuộc chơi. Không có cách nào để trở lại bình thường.
Và chúng ta có thể làm nhiều hơn, tốt hơn nhiều so với bình thường nếu chúng ta từ chối sử dụng không có mục đích cuộc khủng hoảng này./.