Sáu cuộc khủng hoảng khiến cho nước Anh "ốm yếu”

Theo Finacial Times, nước Anh đang đồng thời trải qua 6 cuộc khủng hoảng và đang dần trở lại biệt danh “kẻ ốm yếu của châu Âu” trong những năm 1960.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những năm 1960, do tình trạng kinh tế yếu kém kéo dài, Vương quốc Anh được xem là “kẻ ốm yếu của châu Âu.” Nhưng sau thời gian bà Margaret Thatcher làm Thủ tướng, biệt danh này dường như không còn nữa. Song đến nay, một lần nữa câu hỏi vừa mang tính chia sẻ vừa mang tính mỉa mai được đặt ra “Vương quốc Anh đang gặp vấn đề gì?”

Theo Finacial Times, câu trả lời cho câu hỏi trên có thể là do nước Anh đang đồng thời trải qua 6 cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên là khủng hoảng kinh tế. Điểm bắt đầu chính là những tác động gây sốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là sự kém cỏi về năng suất lao động.

[Trì hoãn Brexit có ý nghĩa gì đối với bầu cử EU?]

Theo Conference Board, sản lượng lao động một giờ ở Anh chỉ tăng 3,5% trong giai đoạn 2008-2018, thấp thứ hai (chỉ cao hơn Italy) trong số các nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, đó không phải là vì năng suất lao động của Anh đã tăng.

Ngược lại, năng suất lao động của Anh vẫn thấp hơn nhiều so với Ireland, Bỉ, Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Singapore, Thụy Điển, Áo, Australia, Phần Lan và Canada. Tỷ lệ có việc làm cao và thất nghiệp thấp là tin tốt. Nhưng năng suất lao động tăng chậm có nghĩa là thu nhập thực tế trên đầu người cũng tăng chậm. Điều này làm cho đời sống chính trị khó khăn và càng khó khăn hơn sau một thời gian dài phải thắt chặt tài chính.

Cuộc khủng hoảng thứ hai là bản sắc dân tộc có phải là duy nhất hay không. Câu hỏi này có thể sớm biến thành câu hỏi về lòng trung thành. Nhiều người cho rằng có thể có nhiều, người thì nhấn mạnh chỉ có một. Một cách xem xét sự chia rẽ này đó là sự khác biệt giữa “người đến từ một nơi nào đó” và “người chẳng đến từ nơi nào” được tác giả David Goodhart định nghĩa trong cuốn sách của mình mang tên “Con đường đến một nơi nào đó.” Nhưng, một khi bị chính trị hóa, điều này gây đau đớn và chia rẽ hơn nhiều. Và điều này đã xảy ra trong tiến trình Brexit.

Cuộc khủng hoảng thứ ba, đó là Brexit, đã vũ khí hóa vấn đề bản sắc, biến những khác biệt đó thành những lời cáo buộc phản quốc. Hoạt động chính trị dân chủ bình thường bị xếp vào nhóm yêu cầu lòng trung thành chung cao hơn. Một khi quan niệm về “sự phản bội” trở thành một phần của tranh luận chính trị, chỉ có thể là chiến thắng hoàn toàn hoặc thất bại hoàn toàn. Những quan điểm như vậy là không phù hợp với đời sống dân chủ bình thường. Và điều này đã chứng minh trong thực tế. Nước Anh bị chia rẽ, cảm xúc thì mạnh mẽ, và hiện tại là không thể giải quyết vấn đề này.

Cuộc khủng hoảng thứ tư là chính trị. Các đảng phái, dựa trên sự phân chia tầng lớp mang tính lịch sử, không phù hợp với sự chia rẽ quan điểm hiện tại về bản sắc giữa những người vui vẻ chấp nhận vừa là công dân Anh vừa là công dân EU với những người khăng khăng rằng họ chỉ là người Anh, không phải là công dân EU. Cả hai đảng chính đang bị phá hủy trong quá trình Brexit, nhưng một cơ cấu chính trị mới vẫn chưa hình thành.

Cuộc khủng hoảng thứ năm là vấn đề lập hiến (có liên quan đến các quy tắc hoạt động chính trị). Tư cách thành viên EU là một câu hỏi mang tính lập hiến. Sử dụng trưng cầu dân ý để giải quyết câu hỏi mang tính lập hiến như vậy cũng lại là một câu hỏi mang tính lập hiến. Nếu trưng cầu dân ý có thể quyết định những việc như vậy, quốc hội có vai trò gì trong việc diễn giải và thực hiện quyết định đó? Quy định đưa ra quyết định đối với một cuộc trưng cầu ý dân lập hiến là gì? Chỉ cần đa số đơn giản hay cần đa số tuyệt đối? Tại sao chúng ta vấp vào mớ hỗn độn này mà không tự chấp vấn những câu hỏi trên?

Cuộc khủng hoảng thứ sáu và có lẽ là quan trọng nhất đó là cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo. Vương quốc Anh đã trượt từ “khủng hoảng tiểu luận” của cựu Thủ tướng David Cameron sang sự ngoan cố bướng bỉnh của đương kim Thủ tướng Theresa May. Bây giờ có thể nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo với khả năng sẽ diễn ra một cuộc tổng tuyển cử mà ở đó đảng Bảo thủ do ông Vladimir Johnson đứng đầu cạnh tranh với Công đảng do ông Jeremy Corbyn lãnh đạo. Cả hai ông Johnson và Corbyn chẳng có điểm chung gì.

Tuy nhiên, dường như họ là những thủ tướng tiềm năng kém chất lượng nhất của một quốc gia mà cho đến nay vẫn là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một người là chàng hề thâm căn cố đế và hứa hão về Brexit. Người còn lại là một người theo chủ nghĩa xã hội cứng rắn và ủng hộ mạnh mẽ kẻ chuyên quyền cánh tả. Với những nhà lãnh đạo như vậy, mớ hỗn độn hiện nay chỉ có thể tồi tệ hơn - và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Tại sao nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc xảy ra đối với nước Anh như thế và các cuộc khủng hoảng đó liên quan đến nhau như thế nào là những câu hỏi thực sự quan trọng. Kết quả kinh tế kém, nhất là về tăng trưởng thu nhập thực tế, chắc chắn có liên quan đến việc tính dân tộc tăng lên thành một vấn đề nổi bật, mặc dù có những yếu tố khác như vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng này không phải là điều quan trọng, vấn đề là sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết các cuộc khủng hoảng đó. Do đó, nước Anh sẽ vẫn còn khó khăn trong một khoảng thời gian nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục