Điều đầu tiên mà bạn nhận thấy khi nhìn chiếc găng tay của Marilyn Monroe trong phòng lưu trữ của Bảo tàng quốc gia về Lịch sử Hoa Kỳ Smithsonian là tay của bà thật sự rất nhỏ. Người phụ trách quản lý những thứ đồ này là Dwight Bowers chia sẻ: “Chúng chỉ là một trong nhiều đôi găng mà bà ấy từng sở hữu.” Trong ngăn tủ sắt đựng găng tay ấy còn có chiếc mũ mà tài tử J.R từng đội trong “Dallas” lẫn cả trang phục Siêu nhân mà Christopher Reeves từng mặc trong “Superman”. “Những chiếc găng này rất nhỏ và tinh tế, với phong cách quý phái của thập niên 1950. Ở chiếc găng bên trái có một vết mực, có lẽ là đến từ việc bà ấy kí tặng cho người hâm mộ.” Được một nhà sưu tập tư hiến tặng, đôi găng trên đã góp phần hoàn thiện bộ sưu tập về Marilyn Monroe tại Viện Smithsonian, hệ thống bảo tàng lớn nhất thế giới và lưu trữ mọi cột mốc trong lịch sử nước Mỹ. Bowers, người đang lên kế hoạch đưa đôi găng trên vào triển lãm sắp tới của viện Smithsonian về Văn hóa đại chúng Mỹ, cho biết việc bảo tàng muốn có thêm nhiều di vật của Monroe là điều hoàn toàn hợp lý. Ông chia sẻ với AFP: “Những thứ đồ liên quan tới Hollywood và các ngôi sao rất được chú ý trong thế giới đấu giá đồ. Do vậy các nhà sưu tập tư là đối thủ cạnh tranh chính của chúng tôi – và họ có ngân sách lớn hơn nhiều so với bảo tàng.” 50 năm kể từ ngày bà qua đời, “quả bom sex” đầu tiên của Hollywood Marilyn Monroe vẫn có sức hút không tưởng. Mọi thứ liên quan tới bà, từ bìa tạp chí mà bà từng chụp cho tới chiếc váy bà từng mặc, đều được các nhà sưu tập mong muốn sở hữu. Rất nhiều trong số đó có thể được tìm thấy tại Bảo tàng Hollywood ở Los Angeles, nơi nhiều nhà sưu tập tư tình nguyện cho mượn các món đồ của Monroe mà họ thu thập được để làm triển lãm mùa hè.
Triển lãm ảnh Marilyn tại Sao Paulo, Brazil (Nguồn: Getty Images)
Chương trình triển lãm trên dàn trải đủ mọi thứ, từ giấy nợ tiền nhà của Monroe, những bức ảnh chưa từng được công bố cho tới chiếc váy lụa bà từng mặc trong tuần trăng mật với huyền thoại bóng chày Joe DiMaggio. Người sáng lập bảo tàng Hollywood là Donelle Dadigan cho biết: “Những thứ này đã được lưu trữ 35 năm rồi. Khi chúng tôi nhận được các vật này, chúng tôi biết ngay nó thuộc về ai, bởi mùi nước hoa Chanel Number Five bà thường dùng vẫn còn phảng phất… Mọi thứ thật kì diệu.” Vào năm 1999, một số đồ vật cá nhân của Monroe từng được đem đấu giá tại sàn Christie tại New York và chỉ trong hai ngày đã mang về tới tận 13,4 triệu USD. Clark Kidder, một nhà sưu tập đồng thời là tác giả một cuốn sách về Monroe năm 2001 cho biết: “Họ có đủ mọi thứ về bà ấy, từ những chiếc bình, xoong chảo cho tới cả áo lót.” Thứ đồ đắt giá nhất là chiếc vòng kim cương được nạm cực kì tinh xảo do DiMaggio, người chồng thứ 2 của Monroe tặng. Ban đầu các chuyên gia ước tính món đồ này sẽ chỉ mang về tối đa 50.000 USD, song nó đã được bán với mức 772.000 USD và còn đáng giá hơn thế nhiều lần nếu được đấu giá thời điểm này. Chiếc dương cầm của Monroe đã bán được 662.500, còn nhiều thứ khác như các bộ bikini, đồ đi tập thể dục, bằng lái xe … cho tới cả đôi găng đều đã được bán hết. Giá cả trên vào thời điểm này được coi là quá rẻ, bởi sự toàn cầu hóa cũng như các nhà sưu tập Châu Á và vùng vịnh ngày càng bạo chi. Với họ giá cả không phải vấn đề bận tâm nhất.
Chiếc găng tay Marilyn Monroe từng sử dụng cũng có giá hàng ngàn USD (Nguồn: Getty Images)
Dadigan chia sẻ với AFP: “Những món đồ của Marilyn Monroe giá trị nhất có thể lên đến 7 con số, và lưu lạc ở Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông … Chúng thật tuyệt vời.” Năm ngoái, tại Macau, nhà đấu giá Julien của Los Angeles đã bán được chiếc áo mà Monroe từng mặc trong “River of No Return” với giá 516.000 USD, còn chiếc váy mà bà từng mặc trong phim “The Seven-Year Itch” được bán với giá lên tới 4,6 triệu USD. Sở dĩ giá của chiếc váy này đắt đến vậy bởi nó gắn liền với hình ảnh sexy của Monroe, cố gắng giữ chiếc váy khỏi bị thổi bay và nở nụ cười mê hồn. Người bán chiếc váy là nữ diễn viên Debbie Reynolds, 79 tuổi và có hơn 35.000 bộ quần áo Hollywood trong bộ sưu tập. Người mua giữ kín danh tính và đấu giá thông qua điện thoại. Theo nhà sưu tập Scott Fortner, người đã tình nguyện cho Bảo tàng Hollywood mượn đồ của Monroe thì “đa phần những món đồ quý giá như vậy sau khi đấu giá đều được tuồn về Châu Á.” “Tôi rất thất vọng bởi nhiều thứ đồ giá trị bỗng nhiên biến mất và chúng tôi không thể biết chúng nằm ở đâu nữa.” Fortner không cho mình là một nhà sưu tập mà chỉ đơn thuần là một người lưu trữ kí ức về một biểu tượng vĩ đại. Ông cực kì tự hào về chiếc máy ảnh của Monroe mà mình sở hữu : “Tôi thấy món đồ đấy cực kì thú vị, bởi đó là chiếc máy ảnh từ thời thơ ấu của một trong những người phụ nữ được chụp ảnh nhiều nhất trong lịch sử. Thật là trớ trêu đúng không.”/.
Quốc Thịnh (Vietnam+)