Ngày 25/12, Saudi Arabia đã thông qua ngân sách năm 2015 trong đó thâm hụt ngân sách lên tới 38,6 tỷ USD, trong bối cảnh nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới bắt đầu cảm nhận tác động từ chính quyết định không tìm cách tăng giá dầu trong thời gian qua.
Cụ thể, chi ngân sách sẽ là 860 tỷ Riyal (tương đương 229,3 tỷ USD), trong khi tổng thu ngân sách là 715 tỷ Riyal (khoảng 190,7 tỷ USD).
Theo Thái tử Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, trong năm 2015, các khoản chi ngân sách sẽ tăng nhẹ so với năm 2014, trong khi tổng thu nhập sẽ thấp hơn.
Tuy nhiên, nước này khẳng định vẫn sẽ tăng cường các dự án thông qua nguồn dự trữ tài chính khổng lồ. Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Ibrahim al-Assaf nhấn mạnh nước này đã dự liệu các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt trên.
Trong khi đó, cơ quan đánh giá tín nhiệm S&P mới đây đã hạ thấp triển vọng của cường quốc dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu đã xuống mức thấp nhất chỉ trong vòng vài tháng qua. Tuy nhiên, S&P vẫn đánh giá cao đối với Saudi Arabia dựa trên nguồn lực tài chính và vai trò ảnh hưởng của vương quốc này được gây dựng trong thập kỷ qua.
Bất chấp việc giá dầu đã sụt đến 50% kể từ tháng Sáu vừa qua, Saudi Arabia, thành viên xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trong khối OPEC vẫn không có ý định cắt giảm sản lượng khai thác nhằm bình ổn giá trên thị trường thế giới.
Hiện OPEC duy trì sản lượng khai thác khoảng 30 triệu thùng/ngày, động thái mà các nhà phân tính nhận định nhằm cạnh tranh đối với các nhà xuất khẩu dầu mới nổi khác, nhất là tại khu vực Bắc Mỹ./.