Sẽ chấm điểm 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Năm nay, 50 DN sẽ được chấm điểm về thực hiện bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp VN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Năm 2013, 50 doanh nghiệp (trong tổng số hơn 170 doanh nghiệp xuất khẩu lao động) sẽ được lựa chọn để chấm điểm về việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (Coc-VN).

Những doanh nghiệp đã cam kết thực hiện Coc-VN và có số lượng lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài lớn sẽ được lựa chọn làm đối tượng để  giám sát và đánh giá. Hai mươi doanh nghiệp  đã được chấm điểm năm 2012 sẽ tiếp tục là đối tượng chấm điểm trong năm 2012.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) đưa ra trong buổi sơ kết một năm triển khai áp dụng bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài(CoC–VN) do VAMAS và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tổ chức vào ngày 21/5.

[Quy tắc ứng xử doanh nghiệp xuất khẩu lao động]


Trong năm 2012, VAMAS đã lựa chọn 20 doanh nghiệp xuất khẩu lao động để thí điểm giám sát, đánh giá việc thực hiện CoC–VN. Các doanh nghiệp này đã được hội đồng giám sát (gồm có đại diện VAMAS, đại điện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và đại diện ILO) chấm điểm và xếp hạng dựa trên nhận xét về mức độ tuân thủ các quy định của CoC–VN. Các doanh nghiệp được lựa chọn phân bố đa dạng theo nhiều ngành như nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp... và trải khắp  các tỉnh từ Bắc vào Nam.

Kết quả đánh giá năm 2012 được chia thành bốn nhóm: Loại tốt A1 có 8 doanh nghiệp, loại tốt A2 có 8 doanh nghiệp, loại khá B1 có 3 doanh nghiệp, loại khá B2 có 1 doanh nghiệp.

Hội đồng giám sát đánh giá là nhìn chung các doanh nghiệp được chọn thí điểm có chất lượng hoạt động khá tốt và đã sớm thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo tuân thủ tốt 100% các nguyên tắc.

Các doanh nghiệp chủ yếu bị trừ điểm vì chưa đóng đủ và đóng đúng hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Việc chậm báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bị trừ điểm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bị trừ điểm vì chưa phối hợp tốt với cơ quan lao động địa phương xử lý các vụ việc phát sinh.

Phát biểu tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Lương Trào cho rằng một trong các kênh đánh giá về việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử tốt nhất là nhận xét của các sở lao động-thương binh và xã hội nơi doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động. Tuy nhiên, do năm 2012 là năm đầu tiên tổ chức giám sát đánh giá nên một số địa phương còn bỡ ngỡ, ảnh hưởng đến tiến hộ gửi ý kiến nhận xét về hội đồng giám sát đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nhận định: “Giám sát , đánh giá mức độ tuân thủ bộ quy tắc ứng xử sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt hơn luật pháp quốc gia, các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đặc biệt, các chỉ số đánh giá này sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có thể xây dựng uy tín, nâng cao vị thế của mình trong mắt người lao động và các đối tác nước ngoài.”

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cũng nhấn mạnh, triển khai CoC-VN là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần phát triển bền vững hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.
Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (CoC–VN) được xây dựng dựa trên pháp luật Việt Nam và các nghiên cứu, luật pháp quốc tế về lao động di cư.

CoC–VN được ban hành vào năm 2010 và gồm 12 điều. Hiện nay, có 100 doanh nghiệp đã cam kết thực hiện bộ quy tắc này./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục