Sẽ giải mật nhiều tư liệu quý giá về cuộc đàm phán tại Geneva và Paris

Sau khi tiếp nhận khối tài liệu liên quan đến Hiệp định Geneva và Paris từ gia đình Đại tá-Đại sứ Hà Văn Lâu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ tiến hành giải mã, giải mật những văn bản này.
Sẽ giải mật nhiều tư liệu quý giá về cuộc đàm phán tại Geneva và Paris ảnh 1Bà Trần Việt Hoa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (trái) tiếp nhận tài liệu từ nguyên Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận tài liệu của Đại tá, nhà ngoại giao Hà Văn Lâu (1918-2016), nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Khối tài liệu này gồm những văn bản về cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tại Paris từ năm 1968 đến năm 1973; các bài viết của Đại tá Hà Văn Lâu về các sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước như sự kiện Mặt trận Bình Trị Thiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Nổi bật trong khối tài liệu ảnh của Đại tá Hà Văn Lâu là những hình ảnh đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.

Sẽ giải mật nhiều tư liệu quý giá về cuộc đàm phán tại Geneva và Paris ảnh 2Bức chân dung hiếm thấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đích thân Người trao tặng Đại sứ Hà Văn Lâu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đặc biệt, trong đó có bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng riêng cho ông Lâu nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của Bác tại Chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1950.

[Gặp chuyên viên quân sự của đoàn Việt Nam ở Hội nghị Geneva]

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, nhiều trang tài liệu quan trọng về Hội nghị Paris và Hội nghị Geneva đang được đóng dấu tuyệt mật. Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc giải mật tài liệu để phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử của tư liệu.

“Với tổng số 107 tài liệu giấy, 336 ảnh, 815 xuất bản phẩm, khối tài liệu này phản ảnh cuộc đời và sự nghiệp hoạt động quân sự, ngoại giao của Đại tá Hà Văn Lâu và nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Đây là nguồn tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của ông với việc nghiên cứu lịch sử ngoại giao Việt Nam,” bà Nguyễn Thị Nga nói.

Khối tài liệu này do bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chile và cũng là con gái Đại tá Hà Văn Lâu trao tặng./.

Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu sinh năm 1918 tại làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, từng làm công chức tòa sứ của Thực dân Pháp. Sớm giác ngộ cách mạng, ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia tích cực trên các mặt trận quân sự tại Ninh Hòa-Khánh Hòa rồi trở về chiến đấu trên quê hương xứ Huế, cơ duyên lên Chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ.

Được sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước, ông đảm nhận một số trọng trách như Cục trưởng Cục Tác chiến, Phó trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại các nước Cuba, Pháp và tại Liên hợp quốc.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Đại tá Hà Văn Lâu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý. Năm 2014, Đại tá Hà Văn Lâu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục