Sẽ xử lý nghiêm những vi phạm hành lang an toàn giao thông

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông.
Sẽ xử lý nghiêm những vi phạm hành lang an toàn giao thông ảnh 1Giao thông đường bộ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhằm hoàn thiện kế hoạch triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Kế hoạch số 4485/2023/KH-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện Chỉ thị này.

Tại Hội nghị, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải được Cục Đường bộ Việt Nam cụ thể hóa thông qua việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước và các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn giao thông.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu, các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình và các hoạt động bảo trì có tính chất đầu tư, quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

Quá trình xử lý tuyệt đối thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tất cả các hành vi vi phạm về an toàn giao thông phải được xử lý theo quy định.

[Việt Nam cam kết chính sách bảo đảm an toàn giao thông đường bộ]

Đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng, tình trạng người dân lấn chiếm hành lang đường bộ để buôn bán vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều vị trí trên tuyến Quốc lộ 5. Đặc biệt, có tình trạng họp chợ lấn chiếm toàn bộ lòng đường gom khiến các phương tiện xe máy phải đi vào làn cơ giới, gây nguy cơ tai nạn giao thông.

Với tình trạng trên, đại diện VIDIFI cho rằng, cần xem xét cả vai trò của địa phương. Bởi trên thực tế phải có sự vào cuộc của địa phương nếu không tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn tiếp diễn.

Đồng quan điểm này, ông Võ Trường Giang, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) nêu thực trạng người dân, doanh nghiệp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhưng người đứng đầu chính quyền địa phương gần như vô can.

Vì vậy, ông đề xuất cùng với việc nâng cao trách nhiệm của địa phương, nên chăng thí điểm khởi tố một vụ việc vi phạm hành lang an toàn giao thông thì mới đủ sức mang tính răn đe.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải phải phát hiện kịp thời các vi phạm hành lang an toàn giao thông và thái độ xử lý cương quyết để tránh tình trạng làm chiếu lệ hay làm cho xong thủ tục, khép hồ sơ.

Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải thống kê các vi phạm đấu nối vào hành lang an toàn giao thông trái phép, xem xét mức độ vi phạm của từng trường hợp.

"Nếu trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố tình ảnh hưởng đến mất an toàn giao thông, chúng ta có thể đề nghị chính quyền địa phương chuyển cơ quan công an xử lý nghiêm minh," ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục