Serbia tưởng niệm 15 năm cuộc không kích của NATO

Theo đánh giá của chính quyền Serbia, các cuộc không kích kéo dài 78 ngày của Liên quân đã cướp đi mạng sống của khoảng 2.500 người, trong đó có 88 trẻ em.
Serbia tưởng niệm 15 năm cuộc không kích của NATO ảnh 1Trụ sở Bộ Quốc phòng Nam Tư là một trong những mục tiêu bị NATO không kích (Nguồn: AFP)

Trong khi việc Liên bang Nga sáp nhập Crimea đang gây ra những tranh cãi về mặt pháp lý thì ngày 24/3, Serbia cũng chính thức tưởng niệm tròn 15 năm cuộc không kích đẫm máu của Liên quân NATO vào Nam Tư (tức Serbia ngày nay) do vấn đề ly khai ở tỉnh Kosovo. 

Theo đánh giá của chính quyền Serbia, các cuộc không kích kéo dài 78 ngày của Liên quân đã cướp đi mạng sống của khoảng 2.500 người, trong đó có 88 trẻ em.

Trong chiến dịch “Sức mạnh liên minh,” các máy bay NATO đã phóng tổng cộng 2.300 quả tên lửa nhằm vào 990 mục tiêu quân sự và dân sự trên lãnh thổ Nam Tư, bao gồm cả thủ đô Belgrade và tỉnh Kosovo. Trung bình mỗi thành phố tại quốc gia này phải hứng chịu 14.000 quả bom, riêng thủ đô Belgrad đã phải trải qua 212 trận ném bom lớn nhỏ.

Chiến dịch quân sự nhằm vào Nam Tư có sự tham gia của 19 quốc gia thành viên NATO ở các mức độ khác nhau, là cuộc không kích lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Liên minh này quyết định tiến hành không kích sau cuộc đàm phán không thành công với ban lãnh đạo Serbia về vấn đề Kosovo và Metokhya tại Paris và một thành phố khác của nước Pháp.

Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong tháng 2 và 3/1999. Chính quyền của Tổng thống Slobodan Milosevic từ chối thẳng thừng yêu cầu rút quân đội khỏi Kosovo, nơi các lực lượng du kích người gốc Albania nổi dậy đòi độc lập, và không cho triền khai tại đó lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.

Serbia tưởng niệm 15 năm cuộc không kích của NATO ảnh 2Máy bay F15 của Liên quân NATO tham gia ném bom Nam Tư (Nguồn: AFP)

Cuộc tấn công này đã diễn ra mà không nhận được sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà chỉ trên cơ sở sự xác nhận của Mỹ và các đồng minh về việc chính quyền Nam Tư đã tiến hành chiến dịch thanh lọc sắc tộc đối với người thiểu số Albania tại Kosovo và châm ngòi cho thảm họa nhân đạo tại đây.

Các cuộc oanh kích nhằm vào Nam Tư của các lực lượng không quân NATO đã diễn ra từ ngày 24/3 đến 10/6/1999. Chiến dịch bắt đầu vào ngày thứ Hai đầu tuần lễ Phục sinh. Truyền thông địa phương đã đưa tin, trên một quả bom của máy bay chiến đấu quân đội Anh có ghi dòng chữ: “Lễ Phục sinh hạnh phúc!”

Liên quân NATO thậm chí sử dụng cả các loại bom bi và bom Uranium nghèo trong các cuộc tấn công của họ nhằm vào dân thường. Nhà thờ, tàu hỏa chở khách, trung tâm truyền hình và cả Đại sứ quán Trung Quốc cũng phải hứng chịu những cuộc không kích mạnh mẽ của Liên quân.

Vụ không kích vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade diễn ra hôm 7/5/1999 khiến ba người thiệt mạng. Đài truyền hình trung ương Serbia RTS cũng là một trong những mục tiêu bị không kích, khiến 16 người chết.

Các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy hóa học, các cơ sở lọc hóa dầu đã dẫn đến thảm họa sinh thái vô cùng tồi tệ ở đất nước này. Trong số những người thiệt mạng trong các cuộc oanh kích của NATO còn có cả những thường dân Albania ở Kosovo. Đó là cuộc tấn công nhằm vào đoàn xe của những người tị nạn diễn ra và ngày 14/4.

Theo đánh giá của chính quyền Serbia, 2.500 thường dân, gồm 88 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của NATO. Số người bị thương khoảng 8.000. Thiệt hại vật chất vì các cuộc tấn công có nhiều đánh giá khác nhau, vào khoảng 30 đến 100 tỉ USD.

Serbia tưởng niệm 15 năm cuộc không kích của NATO ảnh 3Lễ tang của những thường dân người Albania thiệt mạng trong cuộc không kích của NATO ở Kosovo (Nguồn: AFP)

Các cuộc không kích kết thúc sau khi quân đội Nam Tư đồng ý rút quân khỏi Kosovo. Vùng lãnh thổ này đặt dưới sự điều hành của một ủy ban hành chính của Liên hợp quốc và lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu. 

Năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập và được hơn 100 nước công nhân, trong đó có Mỹ và hầu hết các quốc gia EU. Tuy nhiên, vấn đề ly khai ở Kosovo cũng trở thành một tiền lệ xấu cho tư tưởng ly khai đang ngày càng lan tràn. Người Serbia ở Kosovo cũng trở thành đối tượng bị đối xử tàn tệ, trong khi những cáo buộc rằng chính quyền Kosovo từng mổ bụng tù nhân Serbia phục vụ cho đường dây buôn bán nội tạng bị phương Tây phớt lờ.

Theo kế hoạch của chính quyền Serbia, trong ngày kỷ niệm năm nay các đại diện chính quyền, đoàn thể, quân đội, lãnh đạo địa phương, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ sẽ đến đặt vòng hoa tại các khu vực lưu niệm và các đài tưởng niệm những người thiệt mạng vì cuộc không kích của NATO.

Tổng thống Serbia Tomislav Nikolych sẽ tham dự lễ tưởng niệm tại thành phố Varvarin, nơi đã diễn ra cuộc không kích nhằm vào một cây cầu – không phải là mục tiêu quân sự - ở thành phố này làm 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Thủ tướng chính phủ Serbia sẽ thăm núi Strazhevitsa ở ngoại ô Belgrad, nơi đặt tượng đài liệt sĩ Nam Tư.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Neboisha Rodych sẽ đến đặt vòng hoa tại thành phố Vranhie. Tại Kosovo sẽ diễn ra các hoạt động tưởng niệm ở Grachanitsa và Leposavych./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục